Đại học Kiến trúc Hà Nội: Tăng tốc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
(Xây dựng) – Ngày 12/6, tại Hà Nội, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Công ty MegazoneCloud và Công ty Amazone Web Services tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo phục vụ ngành Công nghệ thông tin, Kinh tế, Quy hoạch, Xây dựng.
Chuyển đổi số là kỷ nguyên mới của giáo dục. |
Ngày nay, chuyển đổi số đã trở thành một yếu tố quan trọng và tất yếu trong sự phát triển của giáo dục đại học. Việc áp dụng công nghệ và dữ liệu vào quá trình giáo dục không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, mà còn mở ra những cơ hội mới, giúp chúng ta bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu.
Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” là dịp để các cơ quan nhà nước, các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên tiếp cận, hội nhập và phát triển các công nghệ tiên tiến. Qua đó khám phá các ý tưởng mới, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục linh hoạt, hiện đại và hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số, dữ liệu là nền tảng để thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả hơn. Mỗi ngày, thế giới tạo ra khoảng 2,5 triệu Terabyte dữ liệu. Dữ liệu này, nếu được khai thác và xử lý hiệu quả, sẽ mang lại những giá trị vô cùng lớn, giúp cải thiện và tối ưu hóa mọi khía cạnh của giáo dục. Chính vì vậy, việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và đặc biệt là điện toán đám mây, đã trở nên vô cùng cần thiết.
PGS.TS.KTS. Phạm Trọng Thuật – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Điện toán đám mây không chỉ giúp lưu trữ và xử lý dữ liệu một cách hiệu quả, mà còn vượt qua nhiều giới hạn về không gian và thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học từ xa, cũng như việc hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ sở giáo dục trên toàn thế giới.
Sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số giáo dục không chỉ giới hạn ở việc dạy và học trực tuyến trong thời kỳ giãn cách mà tiếp tục phát triển ngay cả sau khi đại dịch kết thúc, qua đó, chuyển đổi số đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của nền giáo dục toàn thế giới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng thảo luận về các chuyên đề như: Tăng tốc quá trình chuyển đổi số trong giáo dục; Ứng dụng AI trong giáo dục và đào tọa Công nghệ thông tin; Cá nhân hóa đạo tạo nhân lực với phân tích dữ liệu; Ứng dụng AI tạo sinh. Trong đó, các chuyên gia cho rằng tăng tốc quá trình chuyển đổi số trong giáo dục cần thông qua sự hợp tác với cộng đồng giáo dục gồm sinh viên, giảng viên, nhà trường, các tổ chức giáo dục… Chuyển đổi số là động lực chính để cải thiện sự hấp dẫn, sự tham gia của sinh viên, cho phép các tổ chức giáo dục quyết định hoạt động trên dữ liệu, cùng với đó là đa dạng hóa thiết kế học tập và cung cấp chương trình giảng dạy, tăng tốc nghiên cứu và hợp tác, đồng thời, tạo trải nghiệm cá nhân hóa và hấp dẫn cho cả sinh viên và nhân viên.
Chuyển đổi số giúp tạo ra môi trường học tập nơi mà mọi thứ kết nối với nhau. Sự kết hợp mới mẻ của công nghệ, bảo mật nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý để tạo ra trải nghiệm trong học tập, đồng thời tăng cường sự tương tác của mọi người. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong giáo dục cũng đặt ra một số thách thức, bao gồm việc đảm bảo truy cập công bằng đến công nghệ, đào tạo và hỗ trợ cho giáo viên và học sinh, và đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong môi trường số.
Nguồn: Báo xây dựng