Hưng Yên: Vì sao lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên từ chối làm việc với phóng viên?
(Xây dựng) – Dù phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã xuất trình thẻ nhà báo và nội dung cần làm việc nhưng lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên vẫn yêu cầu phóng viên phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới làm việc. Phải chăng lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên có cố tình làm khó phóng viên khi yêu cầu thêm “giấy phép con”?
Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên. |
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn tố giác và kiến nghị của tập thể cán bộ, đảng viên Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên (Trung tâm) tố giác, kiến nghị hàng loạt sai phạm của lãnh đạo Trung tâm liên quan đến đầu tư xây dựng một số công trình phục vụ các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần kinh trong Trung tâm.
Nội dung đơn nêu rõ: Lãnh đạo Trung tâm đã cấu kết với nhà thầu xây dựng không đúng thiết kế, ăn bớt nguyên vật liệu dẫn đến công trình không bảo đảm chất lượng. Cụ thể, dự án cải tạo rãnh thoát nước cho toàn bộ khuôn viên Trung tâm có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Theo thiết kế, các rãnh thoát nước có nắp đậy rời để dễ dàng xử lý khi rãnh bị tắc. Tuy nhiên, khi thi công, nhà thầu đã đổ bê tông trực tiếp hai bên nên khi cần mở nắp cống để xử lý lại phải đục bê tông, rất khó khăn mới mở được.
Năm 2018, Trung tâm triển khai dự án mở rộng thêm 7ha. Trong đó, gói thầu san lấp mặt bằng bị thiếu khối lượng lớn cát san lấp khiến mặt bằng khu vực này bị thấp hơn so với mặt bằng cũ khoảng 0,5m. Vì vậy, mỗi khi mưa xuống là toàn bộ khu vực mở rộng bị ngập sâu, không thể sử dụng.
Năm 2022, Trung tâm thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa tường rào phía Đông Bắc, giáp đường liên xã giá trị 480 triệu đồng. Theo nội dung kiến nghị, đơn vị thi công chỉ vá víu rồi quét ve đè lên và thanh quyết toán khống một số hạng mục. Hiện nay, tường rào đã bị bong tróc, nhem nhuốc, không tương xứng với số tiền đã bỏ ra.
Để có cái nhìn khách quan, trung thực, chính xác về các nội dung trong đơn tố giác và kiến nghị của tập thể cán bộ, đảng viên Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã làm việc với bà Phạm Thị Hương Lan – Chánh Văn phòng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên. Sau khi xuất trình thẻ nhà báo và các nội dung cần làm việc, bà Phạm Thị Hương Lan – Chánh Văn phòng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết dù Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên là đơn vị trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên nhưng đây là đơn vị có tư cách pháp nhân độc lập, có con dấu, tài khoản riêng nên đề nghị phóng viên làm việc trực tiếp với Trung tâm.
Tường rào Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên mới chỉ được vá víu tạm bợ sau khi dự án hàng trăm triệu đồng được triển khai (Ảnh do bạn đọc cung cấp). |
Tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên, khi phóng viên xuất trình thẻ nhà báo và nội dung làm việc, bà Nguyễn Thị Luyện – Trưởng Phòng Hành chính Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên đã tiếp nhận và báo cáo lãnh đạo Trung tâm để xin ý kiến chỉ đạo. Sau khi báo cáo lãnh đạo Trung tâm, bà Nguyễn Thị Luyện thông tin lại cho phóng viên biết lãnh đạo Trung tâm yêu cầu phóng viên phải có giấy giới thiệu thì lãnh đạo mới tiếp và làm việc. Phóng viên điện thoại cho bà Phạm Thị Hương Lan – Chánh Văn phòng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên để trao đổi về yêu cầu của lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên, bà Phạm Thị Hương Lan tiếp tục khẳng định Trung tâm là đơn vị có tư cách pháp nhân độc lập, các công trình, dự án xây dựng đều do Trung tâm làm chủ đầu tư nên đề nghị phóng viên cứ làm việc trực tiếp với Trung tâm.
Sau đó, bà Nguyễn Thị Luyện – Trưởng Phòng Hành chính Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên lại tiếp tục báo cáo lãnh đạo Trung tâm để xin ý kiến. Cũng như lần trước, lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên vẫn yêu cầu phóng viên phải có giấy giới thiệu mới tiếp và làm việc.
Phải chăng lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên cố tình làm khó phóng viên? Luật Báo chí năm 2016 quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Điều này đồng nghĩa với việc thẻ nhà báo hoàn toàn có thể thay thế giấy giới thiệu của cơ quan. Chỉ trong trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo thì mới cần trình giấy giới thiệu khi tác nghiệp. Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định: “Các tổ chức, cá nhân phải tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí”. Điều này có nghĩa các tổ chức, cá nhân không được gây khó khăn khi phóng viên tác nghiệp đúng quy trình. Nếu cứ yêu cầu phóng viên phải theo quy định của riêng mình thì có khác gì việc đẻ thêm “giấy phép con”.
Năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hưng Yên đạt 69,09 điểm, tăng 1,18 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là năm thứ 2 liên tiếp chỉ số PCI của tỉnh Hưng Yên tăng bậc, lọt vào nhóm những tỉnh, thành phố có chỉ số PCI ở mức cao của cả nước. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên cũng như các Sở, ngành, địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Điều này cũng thể hiện sự cởi mở, lắng nghe, cầu thị của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên với mong muốn đưa Hưng Yên ngày càng phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Việc lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên tìm cách gây khó dễ cho phóng viên khi tác nghiệp đã đi ngược lại tinh thần này của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên kiểm tra, xem xét việc lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh Hưng Yên yêu cầu phóng viên phải có giấy giới thiệu khi đã có thẻ nhà báo là quy định chung của tỉnh Hưng Yên hay là “giấy phép con” do lãnh đạo đơn vị này tự đề ra?
Nguồn: Báo xây dựng