Áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng
(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Hội thảo chuyên đề do Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC (Bộ Xây dựng) phối hợp tổ chức sáng 21/6.
Ông Đỗ Chí Hưng, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. |
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các nước, các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giúp cho Chính phủ các quốc gia hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch hơn. Nói đến chuyển đổi số thì việc số hóa các thông tin, tài liệu trên giấy thành dạng dữ liệu điện tử là một công đoạn rất quan trọng; trong số các công nghệ để số hóa thông tin thì mô hình thông tin công trình BIM đang được ứng dụng trong ngành xây dựng, BIM là sử dụng các công nghệ để số hóa các thông tin của công trình thể hiện thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành; áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng giúp nâng cao hiệu quả quản lý xây dựng, giảm thiểu chi phí và tăng cường độ chính xác giảm thiểu các xung đột trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình xây dựng.
Việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện quá trình chuyển đổi số theo Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội và các Kế hoạch của UBND Thành phố.
Theo ông Đỗ Chí Hưng, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), hiện nay, trên thế giới có nhiều chuẩn mô hình BIM, nhưng chúng ta đang áp dụng chuẩn mô hình 3D BIM, đây là mô hình hình học kỹ thuật số 3 chiều được liên kết với thông tin liên quan đến các đối tượng, vật liệu, tính năng kỹ thuật và các yếu tố khác trong dự án xây dựng. Khi áp dụng BIM sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Cụ thể: Đối với cơ quan quản lý, thông qua mô hình thông tin công trình, các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý đô thị có được cái nhìn tổng quát, cụ thể về sự phù hợp của quy hoạch, kiến trúc công trình, đấu nối hạ tầng kỹ thuật… Việc áp dụng BIM trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình giúp giảm được thời gian nghiên cứu và phê duyệt hồ sơ cấp phép cũng như phục vụ rất có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng.
Đối với chủ đầu tư, BIM cung cấp cái nhìn trực quan, hỗ trợ tốt trong quá trình lựa chọn phương án đầu tư, phương án thiết kế, xác định kế hoạch vốn phù hợp với kế hoạch triển khai; giúp chủ đầu tư dễ dàng trong việc xem xét và ra quyết định thông qua các thông tin được tích hợp sẵn trong mô hình. Việc áp dụng BIM giúp giảm thiểu thời gian ngừng chờ xử lý xung đột ngoài ý muốn (xuất phát từ lỗi thiết kế hoặc việc không phù hợp giữa thiết kế và thi công). BIM giúp tối thiểu hóa công tác quản lý dự án, giảm rủi ro dự án, nâng cao chất lượng dự án và mang lại hiệu quả đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, áp dụng BIM cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, các đơn vị quản lý vận hành công trình.
Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định, hiện nay vẫn còn đang tồn tại một số vấn đề trong ứng dụng BIM như: Thiếu chuyên môn về BIM; các hướng dẫn, tiêu chuẩn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ; thiếu phần mềm cốt lõi trong nước; phát sinh chi phí; tâm lý ngại thay đổi…
Trong thời gian tới, cần thúc đẩy công tác đào tạo, trước mắt thực hiện đào tạo theo Quyết định 2029/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội. Tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện, bổ sung hướng dẫn, tiêu chuẩn liên quan đến áp dụng BIM. Khuyến khích ứng dụng các công nghệ số, chấp thuận các chi phí phát sinh và tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về áp dụng BIM.
Ông Lương Thành Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, ông Lương Thành Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC đã giới thiệu tổng quan về BIM, các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách và lộ trình áp dụng BIM cũng như các dự án đã triển khai ứng dụng BIM trong quản lý dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng như: Dự án Trung tâm nghiên cứu tiên tiến thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Air Traffic Control Tower (Campuchia) hay dự án Vận hành hệ thống thoát nước & xử lý nước thải thành phố Sơn La.
Ông Lương Thành Hưng cũng khẳng định: Đối với ngành Xây dựng, việc áp dụng BIM sẽ thay thế cho những phương pháp xây dựng truyền thống, BIM sẽ là nền móng cho chuyển đổi số ngành Xây dựng và đô thị thông minh.
Chuyên gia nước ngoài cũng đã giới thiệu những dự án, chia sẻ những kinh nghiệm áp dụng BIM để tăng năng suất lao động, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm chi phí trong xây dựng.
Ông Jakub Wachocki, chuyên gia BIM đến từ Singapore. |
Theo ông Jakub Wachocki, chuyên gia đến từ Singapore, mô hình BIM đã xuất hiện từ những năm 2000 và phổ biến hơn vào năm 2014. Hiện nay, khoa học – công nghệ phát triển rất nhanh và công nghệ hiện tại chắc chắn sẽ khác so với công nghệ trong 2 – 4 năm tới vì đường cong sự sáng tạo gia tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ làm thế nào để bắt đầu sử dụng các công nghệ mới để phục vụ cho hoạt động ngành Xây dựng và tốc độ đô thị hóa.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia trong nước và nước ngoài, đại diện các quận, huyện, thị xã trực thuộc Thành phố Hà Nội. |
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Nhận biết các thuật ngữ cơ bản, phương pháp, nội dung, lưu giữ các tệp dữ liệu của BIM trong quá trình thực hiện; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, hệ thống phần mềm công nghệ nền tảng, hệ thống lưu trữ, quản lý dữ liệu cần thiết để phục vụ thực hiện mô hình thông tin công trình (BIM); Trao đổi một số kinh nghiệm về triển khai BIM tại một số nước trên thế giới; Thông tin về thực trạng triển khai mô hình thông tin công trình (BIM) trên địa bàn Thành phố Hà Nội và quy trình áp dụng BIM cho các giai đoạn của dự án để các các cơ quan chuyên môn về xây dựng của Thành phố, các chủ đầu tư dự án đầu tư công của Thành phố nói riêng và chủ đầu tư các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố nói chung chuẩn bị sẵn sàng những kiến thức về pháp lý, chuyên môn cần thiết và cơ sở vật chất để thực hiện lộ trình áp dụng BIM.
Nguồn: Báo xây dựng