Bắc Ninh: Thúc đẩy chuyển đổi số, kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn

(Xây dựng) – Bắc Ninh đang khẳng định vị thế là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số với nhiều thành tựu đáng kể, qua đó kiến tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Bắc Ninh: Thúc đẩy chuyển đổi số, kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn
Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%.

Những điểm sáng trong chuyển đổi số

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Đặc biệt, Hội nghị phát động Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc triển khai ký số từ xa và phát hành biên lai điện tử trên hệ thống hành chính công của tỉnh.

Với sự nỗ lực đó, tỉnh Bắc Ninh đã đạt thứ hạng cao trong các chỉ số về chuyển đổi số và kinh tế số năm 2022 (DTI), xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 10; kinh tế số thứ 5; xã hội số đứng thứ 7. Về xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2022, tỉnh xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã ban hành 54 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho quá trình triển khai.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, hệ thống Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được nâng cấp đồng bộ, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách xã hội và Hệ thống dịch vụ công liên thông.

Với hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đều tăng cao, lần lượt đạt 51,25% và 90,97% trong quý I/2024. Ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” đã tiếp nhận gần 9.000 phản ánh, kiến nghị và đạt tỷ lệ xử lý 92,3% trong năm 2023.

Bắc Ninh còn đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng hạ tầng số, với trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến tận cấp xã, phủ sóng mạng di động 4G trên toàn tỉnh và triển khai thí điểm 5G. 100% các Sở, ban, ngành được kết nối mạng truyền số liệu tốc độ cao, bảo đảm an toàn thông tin. Việc triển khai thí điểm 5G và chuyển đổi sang IPv6 cho thấy nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ mới.

Về chính quyền số, được thể hiện hiệu quả, minh bạch, Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tích hợp nhiều tiện ích như tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân qua ứng dụng Zalo. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt mức cao, đặc biệt là ở cấp xã (98,3%).

Từ ngày 01/7/2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển khai đưa Ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” cho doanh nghiệp vào hoạt động thí điểm. Sau thời gian thử nghiệm triển khai thực hiện thí điểm, hệ thống phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp đã tiếp nhận 114 phản ánh kiến nghị hợp lệ, đã trả lời 100/114 kiến nghị của doanh nghiệp, 14/114 phán ánh kiến nghị đang trong quá trình xử lý. Ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao về hiệu quả. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành hoạt động ổn định, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tỉnh đã đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 100% đối với nhiều dịch vụ công như thuế, học phí, viện phí, tiền điện, tiền nước. Mô hình chợ 4.0 và thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng xăng dầu cũng được triển khai thành công. Các ngân hàng trên địa bàn đã ứng dụng ngân hàng số và cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, an toàn thông tin cũng được tỉnh chú trọng và triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, từ việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến xây dựng các quy chế, đầu tư hệ thống kỹ thuật và phòng chống mã độc. Triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Thực hiện rà quét, xử lý các sự cố an toàn thông tin. Tỉnh cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công mạng và bảo vệ dữ liệu.

Bắc Ninh: Thúc đẩy chuyển đổi số, kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn
Hệ thống Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được nâng cấp đồng bộ, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Thách thức và định hướng phát triển

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bắc Ninh vẫn còn một số thách thức như triển khai chuyển đổi số ở một số đơn vị còn chậm, thiếu nhân lực công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung vào các giải pháp như tăng cường truyền thông, hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư cho chuyển đổi số, xây dựng và quản lý dữ liệu số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo an toàn thông tin mạng, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển Tổ công nghệ số cộng đồng…

Để giữ vững những thành quả đã đạt được và phát huy hiệu quả, tỉnh Bắc Ninh đề ra những định hướng cụ thể như: tiếp tục tăng cường chuyển đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; đặc biệt là nhận thức và sự vào cuộc chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu, cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai chuyển đổi số. Luôn luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong chuyển đổi số.

Sau 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 52 NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hành động số 313/KH-UBND ngày 08/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được 8/14 chỉ tiêu (57,14%); 3 chỉ tiêu khác đang trong lộ trình triển khai và dự kiến đạt được vào năm 2025; 3 chỉ tiêu còn lại chờ cách thức thống kê, tổng hợp số liệu.

Với những nỗ lực và định hướng đúng đắn, Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, từ đó, kiến tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích