Nghệ An: Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025
(Xây dựng) – UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, rà soát xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường ven biển đoạn qua thị xã Hoàng Mai. |
Theo đó, tại Văn bản số 4631/UBND-KT ngày 05/6, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, rà soát xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024. Trong đó, đánh giá chính xác, nêu bật các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm; tác động của kế hoạch đầu tư công đối với kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Đánh giá năng lực tăng thêm, tính khả thi và dự kiến mức độ hoàn thành kế hoạch so với mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cả năm 2024.
Đồng thời, cần nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 về thể chế, tổ chức thực hiện… từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị để tiếp tục triển khai có hiệu quả và thực hiện thành công kế hoạch.
Đối với việc bố trí vốn ngân sách Nhà nước năm 2025, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, nghị quyết của Quốc hội, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và các văn bản có liên quan.
Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 bố trí cho các nhiệm vụ, dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án, nhiệm vụ; bảo đảm phân bổ, giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2024.
Đối với vốn nước ngoài, ngoài tuân thủ các quy định Luật Đầu tư công và các văn bản có liên quan, việc bố trí kế hoạch phải phù hợp với nội dung của hiệp định, cam kết với nhà tài trợ…
Danh mục dự án đề xuất phải thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thuộc danh mục dự kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mức vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá tổng mức đầu tư dự án trừ đi lũy kế dự kiến giải ngân vốn đến hết năm 2023 và kế hoạch năm 2024, không vượt quá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của dự án trừ đi số vốn đã giải ngân năm 2021, 2022, 2023 và kế hoạch năm 2024.
Việc bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên, đó là bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); để thu hồi vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 03/5/2024.
Bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp đã quá thời gian bố trí vốn hoặc dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025 theo thời gian bố trí vốn; trong đó đối với các dự án đã quá thời gian bố trí vốn phải có giải trình cụ thể lý do và đề xuất kéo dài thời gian bố trí vốn theo quy định.
Bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư, nghĩa vụ thanh toán của ngân sách Trung ương. Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, các dự án trọng điểm…
Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án ưu tiên mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư, trường hợp chưa kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư tại thời điểm lập kế hoạch thì trong báo cáo lập kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải cam kết hoàn thiện quyết định đầu tư của các dự án trước khi giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2025.
Nguồn: Báo xây dựng