Xuất khẩu surimi của Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
Nhiều tiềm năng xuất khẩu
Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng cho biết, surimi và bột cá là nhóm ngành đặc trưng và tiêu biểu tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn của thủy sản. Nhóm ngành này không chỉ tạo công ăn việc làm cho nông, ngư dân và người dân tại các địa phương mà còn đóng góp đáng kể cho kinh tế thủy sản của đất nước và chăn nuôi nói chung.
Theo báo Đại biểu Nhân dân, trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam thu về 300 – 420 triệu USD từ sản phẩm surimi xuất khẩu, bao gồm cả surimi cá biển và surimi cá tra, chiếm 4 – 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trong số hàng trăm sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến, tươi, sống, khô… thì surimi là một phân khúc có dư địa và tiềm năng phát triển vì đặc thù phù hợp của nghề cá trong nước và xu hướng gia tăng tiêu thụ của thị trường thế giới.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng chả cá và surimi của Việt Nam ước đạt 303 triệu USD, giảm 27% so với năm 2022. Trong tháng 1/2024, xuất khẩu surimi của Việt Nam đã có sự tăng trưởng khả quan, kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thủy sản trong những năm gần đây ngày càng tăng cả về diện tích nuôi và sản lượng nên nhu cầu về thức ăn thủy sản tăng nhanh. Do đó, nhóm sản phẩm bột cá, một trong những nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung và thủy sản nói riêng cũng tăng theo đáng kể.
Mỗi năm, Việt Nam sản xuất 530.000 – 540.000 tấn bột cá, trong đó xuất khẩu 200.000 – 280.000 tấn, bao gồm cả bột cá sản xuất từ cá biển và bột cá sản xuất từ phụ phẩm cá tra. Đồng thời, nhập khẩu 130.000 – 140.000 tấn/năm bột cá có hàm lượng protein cao. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu bột cá của Việt Nam 120 – 130 triệu USD và nhập khẩu khoảng 100 – 110 triệu USD.
Công ty TNHH Việt Trường hoạt động trong ngành chế biến surimi và bột cá hơn 20 năm, xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường khác nhau ở châu Á. Giám đốc điều hành Ngô Minh Phương cho biết, hiện nay sản lượng xuất khẩu surimi đang ổn định, có xu hướng phát triển tốt. Nguyên nhân là do, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng surimi vì có giá trị dinh dưỡng cao, chi phí hợp lý, dễ chế biến thành nhiều món ăn như: Chả viên, xúc xích, thanh cua…
Ngoài ra, đặc thù nguồn nguyên liệu sản xuất surimi chủ yếu đến từ những loài cá tạp nhỏ như cá đổng, mắt kiếng, phèn, bánh đường, cá chuồn, phế liệu cá tra như dè vụn… Đây là những loại nguyên liệu phổ biến và phù hợp với nghề cá khai thác trong nước.
“Không chỉ có lợi cho doang nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, ngành này còn giúp nâng cao giá trị nguyên liệu của ngư dân vì sản xuất surimi có thể sử dụng các loại cá tạp, cá nhỏ; giúp bà con tiêu thụ được với giá thành cao hơn từ 40 – 50% so với việc sử dụng vào các mục đích khác như làm thức ăn thủy sản, gia súc…”, ông Phương chia sẻ với báo Đầu tư.
Bên cạnh đó, ngành surimi còn góp phần bảo vệ biển đảo và an ninh quốc gia, ngư dân ngoài bám biển, bám ngư trường khai thác, đánh bắt hải sản để phát triển kinh tế… còn góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển của quê hương.
Song song đó, phế phẩm từ surimi là nguyên liệu chính để sản xuất bột cá, làm thức ăn thủy sản, giảm nhập siêu bột cá, thức ăn chăn nuôi, đảm bảo kinh tế tuần hoàn.
Nhận diện rõ thách thức để tìm giải pháp
VASEP dự báo, trong năm 2024 khi kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu nhóm sản phẩm này sẽ tăng trở lại. Ngành sản xuất, xuất khẩu surimi và bột cá đang và sẽ phát triển mạnh vì là thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, người tiêu dùng ưa chuộng surimi vì giá trị dinh dưỡng cao, thời hạn sử dụng và chi phí phù hợp.
Năm 2024, surimi và bột cá đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD. Hiện, Việt Nam có khoảng trên 100 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu surimi và gần 65 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu bột cá. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của ngành này là quy trình bảo quản cá đánh bắt, nước thải môi trường và nguồn nhân công tay nghề cao, liên kết giữa doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và doanh nghiệp xuất khẩu…
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Ngô Minh Phương, ngành surimi đang rất tiềm năng nhưng do thiếu sự quy hoạch vĩ mô dẫn đến bất cân đối giữa nguồn lợi hải sản so với số lượng nhà máy được phép hoạt động.
Vì vậy, nguồn nguyên liệu đầu vào có hạn, lại ngày càng giảm sút. Nhà máy cũ thiếu nguyên liệu sản xuất nhưng nhà máy mới vẫn mọc ra. Dẫn đến việc giành giật, đẩy giá nguyên liệu lên cao, làm tăng giá thành sản xuất, doanh nghiệp thua lỗ…
“Ngoài ra, vẫn biết giải quyết bài toán IUU là câu chuyện lớn, phức tạp và lâu dài nhưng chúng tôi rất mong các cơ quan ban ngành đẩy nhanh tiến độ để gỡ rối cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay”, ông Minh Phương kiến nghị.
Đặc biệt, hiện chưa có quản lý nghề theo mùa vụ, đặc biệt vào mùa sinh sản, dẫn đến việc ngày càng suy thoái, thậm chí là cạn kiệt nhiều loài hải sản. Trong khi đa số các nước xung quanh hoặc các quốc gia trên thế giới đều đã có việc kiểm soát khai thác, thậm chí cấm tàu bè ra khơi khai thác vào các thời điểm cá sinh sản như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Với nhà máy sản xuất, theo ông Phương, đặc thù ngành hàng surimi là ngành sản xuất cần nhiều nước, trung bình trên 20m3/tấn sản phẩm, dẫn đến chi phí xử lý nước thải rất cao. Do đó, nếu một nhà máy quy mô trung bình khoảng 400 tấn thành phẩm/tháng thì chi phí xử lý nước thải lên đến 200 triệu đồng/tháng… Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tự xoay xở để tìm giải pháp từ các công ty tư vấn môi trường trong nước hoặc nước ngoài nhưng vẫn chưa tìm ra phương án tối ưu.
“Các doanh nghiệp mong có giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này. Giải pháp có thể đến từ các tổ chức liên quan như tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức có dự án phát triển sản xuất xanh”, ông Phương chia sẻ.
Nhằm nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm surimi, bột cá của Việt Nam, Câu lạc bộ doanh nghiệp surimi và bột cá (VASEP) cho biết, ngoài việc tiếp cận các kênh thông tin thị trường, phản ánh và góp ý, kiến nghị các quy định chính sách… các doanh nghiệp trong câu lạc bộ cũng sẽ cùng VASEP xem xét tham gia các diễn đàn quốc tế, hội chợ quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng hơn.Với lợi thế nội tại về nguyên liệu từ khai thác biển, nuôi trồng và phụ phẩm chế biến cá tra, câu lạc bộ cũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế ngành hàng và kinh tế các địa phương, cũng như gia tăng việc làm, sinh kế cho cộng đồng nông, ngư dân tại các địa phương. Đặc biệt, tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chuỗi cung ứng thủy sản thông qua việc tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội, nhất là quy định chống khai thác IUU.
Theo Người Đưa Tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu