Đầu tư hiệu quả để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam vào cuộc sống.

Đầu tư hiệu quả để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng
Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Sáng 3/6, Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình).

Khơi dậy khát vọng phát triển, bồi đắp hào khí dân tộc

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình góp phần đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam vào cuộc sống.

Đồng thời đáp ứng đúng và kịp thời yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển, bồi đắp hào khí dân tộc, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, nguồn lực nội sinh quan trọng, trực tiếp thúc đẩy quá trình phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước trong thời kỳ mới.

Chương trình được thực hiện trên cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, tập trung vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật…

Chương trình diễn ra từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn. Theo đó, năm 2025 là xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, hệ thống giám sát đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030 tập trung giải quyết các hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030. Giai đoạn 2031-2035, tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến năm 2035.

Chương trình hướng đến 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 nhóm mục tiêu đến 2025, 10 nội dung thành phần tập trung vào việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng bền vững, góp phần kiến tạo sự phát triển bền vững của kinh tế-xã hội…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin: Các nội dung của Chương trình đã được đề cập khá đầy đủ và chi tiết, nguồn lực được cân đối, trong đó nói rõ nguồn lực đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt, nguồn đầu tư từ xã hội.

Nếu Quốc hội thông qua thì nhiệm vụ năm 2024-2025 là tập trung hoàn thiện thể chế bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn. Rút kinh nghiệm từ các chương trình trước đó là có nguồn lực nhưng phải chờ hướng dẫn để thực hiện, vì vậy công tác hoàn thiện thể chế sau khi chương trình được thông qua cần khẩn trương, chủ động để có thể thực hiện ngay Chương trình.

Đầu tư có mục tiêu ưu tiên của quốc gia cho văn hóa

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn,Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: Đây là chương trình đầu tư có mục tiêu ưu tiên của quốc gia cho văn hóa.

Đầu tư hiệu quả để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng
Lợp ngói hoàng lưu ly trên mái Điện Thái Hòa. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là giáo dục và thông tin truyền thông.

Vì vậy, việc triển khai Chương trình cần có sự phối hợp tham gia đồng bộ từ các cấp, ngành, địa phương để Chương trình lan tỏa, tác dụng tích cực đến từng người dân, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước…

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa nhấn mạnh: Chương trình sẽ là một nhân tố tạo động lực nhằm khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng một nền văn hóa vì hạnh phúc của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.

Từ đó tạo thêm điều kiện, luận cứ khoa học để thực hiện nghiên cứu về văn hóa, con người Việt Nam, phục vụ hiệu quả, bền vững sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo phúc lợi văn hóa và đời sống tinh thần của nhân dân…

Trước đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể cho di tích được công nhận di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Đồng thời hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết di tích quốc gia; sưu tầm bảo tồn lưu giữ văn hóa phi vật thể; giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị di sản đã được sưu tầm lưu giữ.

Chương trình cũng giúp hoàn chỉnh hệ thống ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể, hỗ trợ phục dựng lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số…

Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ phục dựng bảo tồn lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó là bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống để khai thác phát triển du lịch văn hóa; hỗ trợ trang thiết bị cho điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, cấp ấn phẩm cho các xã đặc biệt khó khăn, trang thiết bị cho đoàn nghệ thuật biểu diễn.

Trong cả 2 giai đoạn đều được bố trí nguồn kinh phí đầu tư hiệu quả, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tuy nhiên mức đầu tư hỗ trợ chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích