Như Xuân (Thanh Hóa): Cần xử lý nghiêm vụ san lấp, xây dựng trái phép trên gần 2.000m2 đất nông nghiệp để thu mua, chế biến lâm sản
(Xây dựng) – Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về xử lý các điểm thu mua, chế biến lâm sản trái phép, trong thời gian qua, UBND huyện Như Xuân đã ra quân kiểm tra, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát tại địa bàn. Bên cạnh những cơ sở đã chấp hành, tạm dừng sản xuất, vẫn có những điểm thu mua, chế biến gỗ keo trái phép ngang nhiên hoạt động.
Hiện trường khu đất thời điểm mới phát sinh san gạt, tạo mặt bằng. |
Trong các cơ sở vi phạm chưa chấp hành dừng sản xuất, có một trường hợp mới phát sinh. Đáng chú ý, vụ vi phạm này diễn ra trong thời gian huyện Như Xuân cùng với các huyện khác trong tỉnh đang vào cuộc kiểm tra, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn (theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh). Đó là vụ việc diễn ra tại thôn Đồng Tâm, xã Hóa Quỳ, chủ sử dụng đất là ông Trương Văn Minh đã cho người san lấp, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc trái phép để thu mua, chế biến gỗ keo trên hàng nghìn m2 đất nông nghiệp.
Ngoài ra, trong quá trình san lấp, chủ thi công còn bạt đồi thuộc đất rừng sản xuất, san gạt hàng trăm m3 đất để tạo mặt bằng. Vụ việc càng nghiêm trọng hơn ở chỗ, sau khi báo chí vào cuộc, các cấp, ngành chức năng kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, UBND xã và UBND huyện đều đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc ngừng thi công, nhưng chủ đầu tư lại tiếp tục hoàn thiện mặt bằng, xây dựng các công trình và tập kết, máy móc, thu mua gỗ keo nguyên liệu và tiến hành sản xuất, kinh doanh.
Sau khi hoàn thiện mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, chủ đầu tư đã tiến hành thu mua keo, tổ chức sản xuất, kinh doanh tại đây. (Ảnh chụp ngày 24/5/2024) |
Hành vi được đánh giá là thách thức, coi thường pháp luật của chủ đầu tư này bất thường ở chỗ, mức độ vi phạm tăng dần, nghiêm trọng hơn sau mỗi lần chính quyền vào cuộc kiểm tra, xử lý. Cụ thể vụ việc như sau: Sau khi nắm bắt thông tin vụ việc, ngày 29/11/2023, UBND xã Hóa Quỳ đã kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Trần Văn Minh số tiền 2 triệu đồng về hành vi tự ý san lấp đất trái phép: “Trong quá trình thi công san lấp, gia đình không báo cáo cơ quan chức năng và UBND xã, không xuất trình được các thủ tục cho phép san lấp”. Kèm theo đó, UBND xã yêu cầu dừng việc san lấp và xây dựng tại khu đất này. Trước khi xử phạt 2 ngày, UBND xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính liên quan tới chủ đất, yêu cầu dừng tất cả việc thi công, chờ xử lý.
Công nhân đang làm việc bên những đống gỗ nan thành phẩm, phía trong có một chiếc ôtô tải đang chờ bốc hàng. |
Liên quan vụ việc này, ông Phạm Quang Dự – Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện cho biết: “Tại mặt bằng này, chủ đầu tư đã dựng trạm điện, xin cấp phép xây dựng nhà xưởng. Nhưng đây là đất không thuộc quy hoạch sản xuất kinh doanh nên không phù hợp quy định của pháp luật. Việc kéo đường điện, lắp đặt trạm biến áp, huyện sẽ làm việc với bên điện lực xem xét việc dừng cấp điện vì không đủ điều kiện”.
Sau khi xã ra quyết định xử phạt, căn cứ biên bản vi phạm hành chính được lập ngày 12/4/2024 của Đoàn kiểm tra huyện về hành vi vi phạm đất đai, ngày 21/5/2024, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 22,5 triệu đồng đối với ông Mai Văn Thành (ngụ tỉnh Thái Bình, là chủ thi công – PV) vì “đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể: Tự ý chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp khu vực nông thôn, với diện tích 1.888,6m2, thửa đất số 59, tờ bản đồ số 7… thời điểm vi phạm từ 08/3/2024 đến nay… Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm”.
Những biện pháp xử lý trên của các cấp chính quyền huyện Như Xuân rõ ràng là chưa đủ mạnh và kịp thời, nhưng cũng có thể buộc chủ đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật, dừng tất cả các hành vi vi phạm đang diễn ra. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư hoàn toàn phớt lờ mọi yêu cầu của chính quyền, tiếp tục thi công, hoàn thiện san lấp, tạo mặt bằng và xây dựng nhà xưởng, máy móc, thu mua gỗ keo nguyên liệu tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Có mặt tại cơ sở thu mua, chế biến lâm sản trái phép này vừa qua cùng một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và môi trường huyện, PV Báo điện tử Xây dựng đã trực tiếp ghi nhận thực tế đang diễn ra tại đây. Trên khu đất rộng gần 2.000m2 đã san lấp, trong đó nhiều diện tích được đổ bê tông, một căn nhà xưởng, mái tôn rộng khoảng 150m2 đã được xây dựng, cùng với đó là hệ thống máy móc, băng chuyền, trạm điện đã lắp đặt… Bên trong nhà xưởng, có một nhóm công nhân đang vận hành chiếc máy chế biến thanh gỗ. Kế đó có rất nhiều đống thanh gỗ nan thành phẩm, được xếp chồng lên nhau. Tất cả cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây đang diễn ra bình thường. Vụ việc cho thấy sự lộng hành, coi thường pháp luật của chủ đầu tư.
Trước sự việc này, dư luận không khỏi bức xúc, đặt câu hỏi: Vì sao chủ đầu tư dám ngang nhiên có những hành vi vi phạm liên tiếp như vậy, mà không bị xử lý dứt điểm. Phải chăng trong vụ việc này, có sự tiếp tay của thế lực nào đó? Vụ việc trên liệu có giải quyết được không và bao giờ được giải quyết?
Nguồn: Báo xây dựng