Những cuộc gặp ân tình ở Trường Sa
(Xây dựng) – Trên hải trình đến với Trường Sa thân yêu, có những cuộc gặp gỡ của các thành viên Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh với cán bộ chiến sỹ nơi tuyến đầu Tổ quốc đã để lại trong tim chúng tôi nhiều cảm xúc, ấn tượng đặc biệt.
Góc ươm mầm xanh trên xã đảo Sinh Tồn. |
Nhớ lại hành trình ngày đầu hành quân ra đảo công tác tại đảo Tốc Tan C của Thiếu úy Đinh Đỗ Thiện thật nhiều gian nan bởi trước đó chưa từng đi biển bao giờ. Con đường đến với lực lượng hải quân của chiến sỹ trẻ dù có nhọc nhằn nhưng vẫn đầy quyết tâm. Cậu học trò quê Ninh Bình này vốn yêu màu xanh áo lính từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Thời điểm đăng ký thi đại học, cậu đã quyết tâm phải vào được Học viện Hải quân, tuy nhiên may mắn lại không đến khi điểm đầu vào của em bị thiếu.
Sau dự định không thành, thanh niên Đinh Đỗ Thiện quyết tâm ra nhập quân ngũ và biên chế vào Lữ đoàn 622, may mắn hơn khi được đóng quân ở đơn vị thông tin và các Thủ trưởng đơn vị tạo điều kiện đi học đào tạo từ hệ Trung cấp, Cao đẳng. Kể từ ngày ra với đảo, Thiện đã được các đàn anh đi trước hướng dẫn kèm cặp tận tình.
Tình cảm chia sẻ, gần gũi giữa chiến sỹ và thành viên Đoàn công tác. |
Cơ duyên đến với quân ngũ được chàng trai này coi là một may mắn bởi những thử thách khó khăn trong môi trường quân đội chính là điều kiện giúp bản thân trưởng thành hơn. Người lính trẻ luôn tin tưởng vào lựa chọn của mình với mục tiêu góp phần sức bé nhỏ bảo vệ lãnh thổ đất nước.
Trong chuyến đi lần này của chúng tôi, Đại úy Phạm Hoàng Bình, lực lượng Hải quân Vùng 2 được giao nhiệm vụ đưa Đoàn công tác số 12 ra thăm quần đảo Trường Sa, niềm vui lớn nhân đôi của anh là được gặp lại ca sỹ Ngọc Quỳnh (Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh). Niềm vui của hai “chiến sỹ” đặc biệt này khiến không ít đồng nghiệp và các thành viên của đoàn xúc động rơi lệ.
Đại úy Bình chia sẻ giai đoạn 8 năm trước, khi còn công tác ở Nhà giàn DK 1, điều kiện vô cùng khó khăn, khi ấy các ca sỹ ra thăm Nhà giàn và cụm đảo như tiếp thêm động lực cho anh em chiến sỹ nơi biên cương sóng nước mênh mông. Anh cũng không ngờ có ngày được gặp lại giọng ca nhiệt huyết với nhiều ca khúc hay về biển đảo quê hương năm ấy tại hành trình đặc biệt này.
Đại úy Phạm Hoàng Bình và đồng đội tàu KN 290. |
Tàu theo gió, theo sóng đưa chúng tôi đến với đảo Trường Sa lớn, đặt chân lên mảnh đất này, tôi vô cùng xúc động khi được tới thăm doanh trại của cán bộ chiến sỹ thuộc đội bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không không quân.
Gặp được người “đồng hương” Nguyễn Văn Thắng với nhiều chia sẻ kỷ niệm gắn bó giữa lực lượng không quân và hải quân bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không ít chuyến bay mà các anh thực hiện đã giúp bà con ngư dân kịp thời được cứu chữa khi gặp bệnh nặng.
Mặc dù điều kiện sinh hoạt còn khó khăn thiếu thốn nhưng những người lính không quân trên đảo luôn giữ nụ cười tươi với tinh thần lạc quan: “Bọn anh luôn có đất liền quê hương trong tim rồi nên được cống hiến góp sức cho Tổ quốc là tự hào lắm em”.
Tiến sỹ, Bác sỹ Nông Hữu Thọ, Trung tâm y tế Trường Sa gặp lại cô giáo cũ Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. |
Niềm tự hào được gắn bó với quần đảo Trường Sa, được đem tuổi xuân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đối với Tiến sỹ, Bác sỹ quân y Nông Hữu Thọ thuộc biên chế của Bệnh viện 175 thì với khoảng cách đất liền 250 hải lý (khoảng hơn 460km), việc cứu chữa thành công tại chỗ cho bà con ngư dân như phẫu thuật, điều trị chấn thương phức tạp cột sống, sọ não, dập nát bàn tay, gãy xương cẳng chân do tai nạn, viêm ruột thừa cấp… đã giúp cán bộ, chiến sỹ, người dân, ngư dân Trường Sa có thêm tinh thần, động lực yên tâm bám biển, bám đảo.
Trên nhà giàn DK1-17 Phúc Tần, Thiếu tá Đoàn Quang Duẩn có lẽ là người gắn bó nhiều nhất với các điểm nhà giàn, vốn là lính thông tin anh có vinh dự được gắn bó với nhà giàn từ năm 1995. Từ những bỡ ngỡ ban đầu trên ngôi nhà đặc biệt trên biển, được chỉ huy và đồng đội cùng hỗ trợ, anh đã đi công tác ở 6 nhà giàn. Thiếu tá Duẩn chia sẻ: “Khi về với đất liền mình cũng bâng khuâng lúc đó lại nhớ nhà giàn, nhớ đồng đội, nhớ cả những kỷ niệm vất vả khó khăn nhất trên nhà giàn”.
Chiến sỹ nhà giàn DK 1/17 đón khách đất liền đến thăm. |
Trong chuyến công tác lần này được chứng kiến tình cảm của thành viên trong đoàn với biển đảo quê hương đã đem đến trong tôi ấn tượng đặc biệt. Cựu binh Phạm Văn Hưng, trước đây đã từng tham gia trên tàu 505 vận tải lương thực, nguyên liệu cho Trường Sa. Ông đã chứng kiến các đồng đội hy sinh tại Gạc Ma năm 1988, lần này ông quay trở lại đảo Cô Lin việc đầu tiên là hướng về Gạc Ma gọi tên các đồng đội của mình. Buổi sinh hoạt giao lưu với những câu chuyện kể lại sống động của ông ngay trên tàu KN 290 đã khiến các thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt.
Đồng đội cũ gặp nhau chốc lát trên đường làm nhiệm vụ. |
Chị Trần Thị Liên có bố là liệt sỹ hy sinh tại Trường Sa, lần đầu tiên được tham dự hải trình đến với Trường Sa, chị xúc động: “Bố mình hy sinh khi làm nhiệm vụ trên biển, mình sinh ra không biết mặt bố nhưng ký ức tuổi thơ mình luôn hy vọng chắc bố chỉ trôi dạt về đâu đó, được bà con ngư dân cứu giúp rồi sẽ về. Nhưng hy vọng ấy mãi không thành hiện thực, hôm nay được về nơi bố đã hòa cùng đại dương cũng coi như mình đã được gặp bố. Bố hãy yên lòng nhé, chúng con luôn hướng về biển đảo quê hương, nơi bố ở lại cùng đồng đội ngày đêm canh giữ biển trời quê mình”.
Tạm biệt Trường Sa, hẹn ngày gặp lại. |
Được tới thăm những đảo chìm, nổi, gặp cán bộ, chiến sỹ quân và dân trên quần đảo Trường Sa đang ngày đêm đứng gác nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc vào đúng dịp kỷ niệm 49 năm giải phóng Trường Sa, chúng tôi đã có trải nghiệm thật đặc biệt. Mong được gặp lại những người con của Trường Sa trên khắp mọi miền Tổ quốc, Trường Sa sẽ mãi trong tim chúng tôi.
Nguồn: Báo xây dựng