Bình Định: Bến cá hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang
(Xây dựng) – Được đầu tư bài bản, khang trang với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng, thế nhưng bến cá Tân Phụng ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định) lại luôn trong tình trạng đìu hiu, không hoạt động, gây lãng phí. Nguyên nhân được cho là vị trí xây dựng và thiết kế bến cá không phù hợp.
Bến cá Tân Phụng được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng luôn trong tình trạng “đìu hiu”, vắng bóng ngư dân hoạt động. |
Bến cá Tân Phụng được khởi công xây dựng từ năm 2017 và đưa vào hoạt động từ năm 2019. Đây là công trình thuộc Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng đầu tư hơn 26 tỷ đồng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư.
Tại Kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng đã nêu vấn đề về việc sử dụng công trình này. Ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng: “Khi làm dự án đã không sát thực tế dẫn đến dự án làm gần chục năm trôi qua nhưng bến cá vẫn không thể hoạt động”.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, xây dựng bến không phù hợp với điểm tập kết nên không thể di dời người dân tập trung tại bến, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Đồng thời ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị tỉnh xây dựng dự án cần đánh giá thực trạng, giải pháp cụ thể.
Bến cá được xây dựng kiên cố với nhiều hạng mục. |
Tìm hiểu vấn đề, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có mặt tại bến cá Tân Phụng. Theo ghi nhận, công trình được đầu tư xây dựng khá bài bản với các hạng mục như: Nhà điều hành, nhà phân loại sản phẩm, mặt bằng che nắng, hệ thống cấp thoát nước, điện, trạm xử lý nước thải, ròng rọc vận chuyển sản phẩm… Mặc dù được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động đến nay ngư dân vẫn không mặn mà với công trình này, vì cho rằng công trình xây dựng quá bất cập.
Cỏ dại mọc um tùm, cơ sở hạ tầng xuống cấp. |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngư dân Lê Thanh Hùng ở thôn Chánh Trạch 2, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ cho biết: “Xây bến cá này cho ghe, thuyền vào cập bến nhưng thực tế ghe thuyền thể không vào được. Vì ở đây là bãi ngang, sóng lớn nên mỗi lần tàu thuyền vào là bị sóng đánh. Có thuyền khi vào đã bị đánh đổ hết dầu, không thể tiếp tục ra khơi. Giờ các tàu, thuyền chỉ đậu ở xa và cho thuyền thúng chở vào”.
Không chỉ thiết kế sai vị trí, ngư dân ở đây còn cho biết, việc xây dựng bậc tam cấp lên xuống từ bãi neo đậu tàu thuyền đến bến quá cao, không thuận tiện cho việc vận chuyển. Mặc dù chủ đầu tư đã đầu tư thêm máy tời để chở cá từ bãi lên bến, nhưng thùng chứa hàng nhỏ lại hoạt động chậm, không đáp ứng được nhu cầu của ngư dân.
Ngư dân cho rằng, bậc tam cấp xây quá cao, bãi tập kết đến nhà phân loại sản phẩm quá xa, trong khi máy tời hoạt động quá chậm. |
“Người ta có làm ròng rọc để chở cá từ bãi lên, nhưng ròng rọc chạy thì chậm lại chỉ có 1 thùng chứa hàng, trong khi mỗi lần ghe, thuyền vào phải từ 4 – 5 tấn cá, ròng rọc vậy chở khi nào mới hết cá. Hơn nữa hải sản để trong thùng, xếp chồng lên nhau sẽ nát hết, tôi thấy rất lãng phí”, ngư dân Hồ Thanh Hoàng ở thôn Chánh Trạch 1, xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ) cho hay.
Có bến cá, nhưng lại không thể hoạt động, bà con ngư dân đành phải quay về chợ Tân Phụng cũ, cách bến cá chừng 1km để làm địa điểm tập kết. Tuy nhiên, bà con ngư dân cho rằng vị trí này cũng không được thuận lợi vì đường lún, khó khăn cho quá trình vận chuyển sản phẩm. Còn bến cá Tân Phụng do không được vận hành, nên xung quanh khu vực cỏ dại mọc um tùm, hệ thống cấp thoát nước, máy tời đã hoen rỉ, xuống cấp… Bến cá tiền tỷ giờ trở thành nơi “hóng mát”, vui chơi của thanh niên trong xã.
Thùng chứa sản phẩm vận chuyển từ bãi tập kết lên bến cá quá nhỏ so với nhu cầu của ngư dân. |
Theo ông Trần Xuân Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, ngư dân không tham gia vì tàu thuyền cập bến bất cập, khó khăn, nhất là mùa biển động. Người dân cũng nhiều lần ý kiến đề nghị địa phương can thiệp các cấp cần xây dựng bổ sung cầu cảng để tàu thuyền cập bến được thuận lợi. Tuy nhiên, làm cầu cảng chi phí quá cao vì vậy địa phương muốn giải tỏa bến cũ, bến đất để vận động bà con lên bến cá hoạt động nhưng rất khó.
Theo ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định chia sẻ, trước đây khi xây dựng bến cá, mục đích bến cá cũng là chợ để bà con buôn bán ở đó luôn. Trước khi xây dựng, các chuyên gia nước ngoài cũng đến kiểm tra, khảo sát rồi mới xây dựng. Tuy nhiên, do tập quán của người dân là ghe, thuyền cập bến là bán luôn tại bãi chứ họ không muốn lên bến.
Về hướng giải quyết vấn đề này, ông Phúc cho hay, trong thời gian tới sẽ bàn giao công trình này cho huyện quản lý.
Nguồn: Báo xây dựng