Phú Yên: Chủ động ứng phó thiên tai trong mọi tình huống
Phú Yên: Chủ động ứng phó thiên tai trong mọi tình huống
Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, hiện tỉnh đang triển khai nhiều phương án sẵn sàng, chủ động ứng phó trước diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, năm 2024 có khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông (5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền), trong đó khoảng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Phú Yên (khoảng từ tháng 10-12/2024).
Ông Trần Công Danh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên cho biết: Dự báo từ nay đến tháng 8/2024, nắng nóng mở rộng và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn tỉnh với số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, mức nhiệt độ cao nhất từ 38-400C, nhiệt độ trung bình cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 1-1,50C, tổng lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5-25%. Trong điều kiện nắng nóng liên tục kéo dài và nguồn nước ngầm suy giảm, trong khi đó lượng mưa bị thiếu hụt nên có thể gây ra tình trạng khô hạn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài gây ra khô hạn cục bộ tại một số địa phương, có khoảng 1.500 hộ dân (ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa) thiếu nước sinh hoạt; trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng với diện tích hơn 8,6ha. Từ ngày 18-23/5, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng và môi trường làm cho tôm hùm, cá biển nuôi lồng bè ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 38,5 tỉ đồng.
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng gay gắt kết hợp xuất hiện mưa dông, vùng nuôi bị ô nhiễm, mực nước thủy triều xuống thấp làm cho hàm lượng ôxy hòa tan trong nước xuống thấp dẫn đến tôm hùm, cá biển nuôi chết hàng loạt vừa qua.
UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo thống kê thiệt hại và xử lý số thủy sản chết, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm kép. Đến nay, vùng nuôi thủy sản ở đầm Cù Mông đã tạm ổn, địa phương đang triển khai các giải pháp ứng phó thời tiết nắng nóng trong thời gian tới…
Nâng cao năng lực ứng phó
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 5 công trình thủy lợi có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, không đảm bảo nguồn nước tưới vụ hè thu 2024 với tổng diện tích khoảng 1.560ha, xảy ra vào khoảng tháng 7-8/2024. Cụ thể, hệ thống thủy nông Đồng Cam khoảng 1.425ha, hồ Đồng Khôn hơn 40ha, đập Tân Giang Thượng hơn 30ha, đập Sông Con hơn 10ha và hệ thống thủy lợi Tam Giang gần 55ha.
Nếu tình hình nắng nóng kéo dài trên diện rộng từ tháng 5-8/2024, các nguồn nước sẽ cạn kiệt, mực nước ngầm sụt giảm, một số giếng nước sinh hoạt khô cạn, có khả năng dẫn đến thiếu nước sinh hoạt khoảng 6.455 hộ dân.
Đến thời điểm này trên địa bàn huyện Sơn Hòa đã có một số khu vực, hộ dân thiếu nước sinh hoạt, địa phương đã triển khai giải pháp khắc phục nên tạm ổn. Tuy nhiên, theo dự báo nắng nóng tiếp tục kéo dài, trên địa bàn huyện sẽ có hàng nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp sẽ thiếu nước tưới, hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
“Ngoài các giải pháp mà huyện đang triển khai, địa phương kiến nghị tỉnh có giải pháp hỗ trợ, nhất là đầu tư các công trình nước sinh hoạt tại các vùng thường xuyên thiếu nước, vùng đồng bào DTTS”, ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết.
Trong khi đó, tại TX Sông Cầu, song song với việc ứng phó thời tiết nắng nóng, địa phương cũng đang triển khai các phương án ứng phó mưa bão. Sông Cầu là địa phương có diện tích và lồng, bè nuôi thủy sản tương đối lớn. Ông Lâm Duy Dũng cho hay: UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương triển khai phương án, vận động người nuôi tổ chức thu hoạch tôm, cá khi đủ kích cỡ thương phẩm, thường xuyên theo dõi thời tiết để ứng phó kịp thời khi xảy ra thiên tai.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, để ứng phó thời tiết nắng nóng kéo dài, các địa phương cần tuyên truyền để người dân chủ động sử dụng nước tiết kiệm, tổ chức nạo vét các kênh mương, ao hồ, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các ngành chức năng và địa phương chuẩn bị xe bồn vận chuyển nước đến các điểm dân cư thiếu nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là các vùng dân cư đồng bào DTTS.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đê điều, thủy lợi, xây dựng… và các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phòng, chống thiên tai. Các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm, phát triển hệ thống mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn; thông tin sớm và sâu rộng đến người dân để chủ động ứng phó thiên tai, không chủ quan lơ là, ỷ lại.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng cộng đồng an toàn gắn với thực hiện tiêu chí an toàn phòng, chống thiên tai, kiện toàn các lực lượng xung kích cấp xã, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, nhanh chóng, có hiệu quả…
Các đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai huấn luyện, tập huấn, diễn tập, phòng ngừa, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm “phòng là chính”.
Trâm Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị