BRICS hỗ trợ Brazil gần 500 triệu USD khắc phục hậu quả lũ lụt

BRICS hỗ trợ Brazil gần 500 triệu USD khắc phục hậu quả lũ lụt

Trong khoản tín dụng của Ngân hàng phát triển NBD của khối BRICS, 200 triệu USD sẽ được đầu tư cho việc tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng như xây dựng đường xá và cầu cống.

Ngày 4/6, Chủ tịch Ngân hàng phát triển NBD của khối BRICS, Dilma Rousseff, đã ký thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng gần 500 triệu USD hỗ trợ Brazil khắc phục hậu quả trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua tàn phá nặng nề bang miền Nam Rio Grande do Sul.

Thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Phó tổng thống Brazil, Geraldo Alckmin.

tm-img-alt
Người dân ở bang Rio Grande do Sul cần nhiều hỗ trợ sau trận lụt kinh hoàng. Ảnh: ABC.

Ông Alckmin, kiêm Bộ trưởng Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ, dẫn đầu phái đoàn Brazil, tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 7 Ủy ban hợp tác cấp cao Trung Quốc-Brazil (Cosban), sẽ diễn ra vào ngày 6/6 tới tại Bắc Kinh.

Ông Alckmin bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của NBD đối với bang Rio Grande do Sul sau thảm họa lũ lụt lịch sử kéo dài từ cuối tháng 4 tới tháng 5, khiến 172 người thiệt mạng và làm 2,3 triệu người bị ảnh hưởng.

Trong khoản tín dụng của NBD, 200 triệu USD sẽ được đầu tư cho việc tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng như xây dựng đường xá và cầu cống.

Trong buổi làm việc diễn ra tại Bắc Kinh, ông Alckmin và bà Rousseff cũng đề cập đến các chủ đề khác như chuyển đổi xanh, tăng trưởng kinh tế và các ưu tiên của Brazil khi giữ chức Chủ tịch Nhóm G20 trong năm nay.

Trước đó, Chính phủ Brazil cam kết sẽ huy động 10 tỷ USD cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại bang Rio Grande do Sul.

Trong khi đó, nền kinh tế đang phát triển mạnh ở miền Nam Brazil đã chịu nhiều thiệt hại do đợt lũ lụt lịch sử. Diện tích đất nông nghiệp rộng lớn không thể sử dụng được và các nhà máy bị tê liệt.

Một mặt các doanh nghiệp đang thống kê toàn bộ thiệt hại. Mặt khác, họ vẫn đang kêu gọi viện trợ để tăng khả năng phục hồi và có các biện pháp ứng phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai.

Phát biểu họp báo ngày 29/5, Chủ tịch Liên đoàn Nông dân bang Rio Grande do Sul (Farsul) Gedeao Pereira cho biết chưa từng ghi nhận thiệt hại nào lớn như hiện nay. Lũ lụt tàn phá trên diện rộng, chủ yếu ở các khu vực trung tâm của bang. Khoảng trung bình 9/10 nhà máy ở bang này bị ảnh hưởng; nhiều cây cầu bị sập, đường sá hư hại nghiêm trọng khiến việc vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn. 

Theo kết quả khảo sát sơ bộ do Farsul công bố, các chủ đất lớn đã mất đi khoảng 25 triệu reais (5 triệu USD) vì lũ lụt. Do nước vẫn đang rút nên vẫn chưa thể thống kê đầy đủ chi phí thiệt hại thực sự ở bang 11 triệu dân này.

Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ khác, Chính phủ liên bang còn công bố hạn mức tín dụng trị giá 15 tỷ reais (2,9 tỷ USD) với lãi suất thấp và tùy chọn đàm phán lại các khoản nợ hiện có. Chủ tịch Liên đoàn lao động nông nghiệp bang Carlos Joel da Silva, đại diện cho hơn 700.000 người lao động tại các trang trại quy mô nhỏ, đánh giá khoản hỗ trợ trên là điều tích cực nhưng vẫn cần thêm nhiều khoản vay nữa, bởi chỉ riêng việc xử lý đất nông nghiệp để chúng màu mỡ trở lại là vô cùng tốn kém.

Bang Rio Grande do Sul đã hứng chịu 4 hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua và các doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc phải có kế hoạch dự phòng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Công ty Fontana hoạt động đa ngành nghề đã vạch ra kế hoạch như vậy sau trận lũ lụt năm 2023. Giám đốc công ty Ricardo Fontana cho biết trong đợt thiên tai mới nhất này, khi dự báo sẽ có mưa xối xả, ban lãnh đạo đã chỉ đạo tháo dỡ thiết bị và linh kiện điện tử khỏi các máy móc, nhờ vậy hạn chế được thiệt hại.

Đợt lũ lụt lịch sử kéo dài một tháng ở Brazil, được các chuyên gia cho là do biến đổi khí hậu trầm trọng hơn bởi El Nino, đã khiến 169 người thiệt mạng và hơn 580.000 người phải di dời.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích