6 tháng, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tích cực

kinh te
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Logitex (Cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương). 

“Với xu hướng này tốc độ tăng trưởng quý II/2024 và 6 tháng năm 2024 được kỳ vọng tiếp tục tích cực, dự báo có thể đạt mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 lần lượt là 6,2% và 6%”, Vụ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho hay.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân chỉ ra, những động lực quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay; đó là Việt Nam tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng. Ví dụ như: vượt thu ngân sách trung ương năm 2023 cho chi đầu tư phát triển khoảng 27.000 tỷ đồng, Chính phủ đã dành khoảng 20.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng.

Đến nay, cả nước có khoảng 2.000 km đường cao tốc đi vào hoạt động; mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc là có thể đạt được.

Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. Quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn, trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sớm hơn 5 tháng so với thời điểm có hiệu lực của Luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công; rà soát tổng thể vướng mắc trong các quy định pháp luật, nhất là về phân cấp, phân quyền để trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ.

Tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và các dự án giao thông đường bộ, để trình cấp có thẩm quyền mở rộng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai tại một số địa phương để xem xét, trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng tại các địa phương khác.

“Việc triển khai hiệu quả các chính sách này kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo”, ông Tâm cho biết.

Mặt khác, công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành toàn bộ 6/6 quy hoạch vùng; tổ chức các hội nghị điều phối vùng, hội nghị của các địa phương để công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư. Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của cả nước, tạo động lực tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Số vốn FDI thực hiện 5 tháng đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu tiếp tục đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tham mưu các giải pháp, chính sách để thực hiện mục tiêu nhất quán là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời, tiếp tục tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để giải quyết các vấn đề có tính vùng, tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới; tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, Đề án đào tạo nhân lực cho ngành chip bán dẫn… Phát huy hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, sản xuất chip bán dẫn…

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích