Khi Luật Đất đai được “đẩy sớm” hiệu lực thi hành
Trước thời điểm dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua, đặc biệt, trước thời điểm Nghị quyết số 18 liên quan đến vấn đề đất đai của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành, một trong những điểm nóng nhất liên quan đến lĩnh vực đất đai là công tác thu hồi đất. Nay khi Luật Đất đai đã được thông qua và đang chờ các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành thì 2 trong số các nội dung được cử tri quan tâm đó là: Cơ chế thu hồi dự án treo, dự án có dấu hiệu buôn, bán, trao tay để hưởng lợi nhuận và chính sách cấp sổ đỏ khi đất ở có nguồn gốc hợp pháp.
Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, đợt 2, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ điều chỉnh chương trình làm việc để xem xét các Luật: Đất đai; Nhà ở; Kinh doanh bất động sản sớm hơn từ ngày 1/8…, mục đích nhằm sớm triển khai thi hành các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, để góp phần tháo gỡ vướng mắc, đưa các chính sách mới vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Với việc Quốc hội tiến hành sửa đổi chương trình làm việc để đẩy sớm 3 đạo luật trên, dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2024 thay vì 1/1/2025 (như ban văn bản hiện hành), người dân kỳ vọng Chính phủ sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể để giải quyết những bất cập về tình trạng dự án quy hoạch treo, dự án có dấu hiệu chuyển nhượng và đặc biệt gỡ “điểm nghẽn” liên quan đến cấp sổ đỏ hiện nay.
Cụ thể, thời gian qua, trên địa bàn cả nước có nhiều dự án treo, quy hoạch treo. Trong đó, ngoài một số yếu tố bất khả kháng thì vẫn còn có nhiều dự án bị “quay vòng” và kết cục là không triển khai được. Đã từng diễn ra thực trạng, doanh nghiệp A đến huyện B, xin chủ trương đầu tư dự án, huyện xin tỉnh chủ trương rồi tiến hành lập quy hoạch, giao đất cho doanh nghiệp để làm dự án. Khi doanh nghiệp A đã được cấp phép dự án, liền chuyển qua tay doanh nghiệp B, rồi doanh nghiệp B lại chuyển cho doanh nghiệp C… Dự án không được triển khai, nằm đắp chiếu. Còn tại đô thị, các thành phố lớn, số dự án treo có rất nhiều.
Cử tri mong muốn, khi Luật Đất đai có hiệu lực, trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ sẽ có các quy định để chính quyền địa phương có đủ hành lang pháp lý, kiên quyết thu hồi các dự án treo để phục vụ mục đích dân sinh (với các thành phố lớn); tiến hành thu hồi dự án treo để tiến hành đầu giá với các địa phương. Đồng thời, Chính phủ cũng có quy định chi tiết về việc cấp sổ đỏ đối với đất ở, đất vườn mà người dân sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp, nhưng do hoàn cảnh lịch sử không đủ giấy tờ… để người dân yên tâm, Nhà nước cũng dễ dàng quản lý mà lại không bị thất thu thuế. Đây là nội dung mà người dân rất mong chờ.
Hy vọng khi các Luật trên được đẩy sớm thời gian có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn cũng sớm được ban hành, các bất cập liên quan đến đất đai sẽ dần được giải quyết.
H.Lê
Nguồn: Báo lao động thủ đô