Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: “Ba nhà đều lợi”
Hệ lụy 10 nămTại tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” sáng 14/6 do Báo Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Hiệp Hội Phân bón Việt Nam và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVFCCo) tổ chức, những hệ luỵ của việc triển khai vào thực tế trong 10 năm qua của Luật số 71/2014/QH13 (Luật 71) nhằm sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 (trong đó quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra) đã được các chuyên gia và doanh nghiệp chỉ rõ.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, qua 10 năm Luật 71 đi vào cuộc sống, ngành nông nghiệp thiệt đơn thiệt kép, trong đó người nông dân là đối tượng gánh chịu đầu tiên. Với việc mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế GTGT” theo Luật 71, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón.
Theo đó, tất cả các thành tố của sản xuất phân bón như vậy được tính vào giá thành sản phẩm, khiến giá phân bón bị đẩy lên. Trong khi đó, vật tư nông nghiệp thiết yếu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 40 – 60% giá thành nông sản và người nông dân là đối tượng bị tác động bất lợi đầu tiên.
Đặc biệt, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng cũng đồng nghĩa với việc tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu, ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP-Vinachem cho biết luỹ kế 10 năm qua, CTCP DAP-Vinachem đã “mất” hàng nghìn tỷ đồng. Phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón về Việt Nam cũng không phải chịu thuế GTGT nên có điều kiện để giảm giá bán, trong khi phân bón sản xuất trong nước bị đội giá thành nhưng không thể tăng giá tương ứng.
Đây là khó khăn lớn nhất cho Công ty, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất – kinh doanh sụt giảm và đầu tư mở rộng quy mô hay nâng cấp công nghệ mới không thể thực hiện, ông Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ.”Trong bối cảnh nông dân bị ảnh hưởng, doanh nghiệp bị kẹp ở giữa, thu ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế chỉ rõ. Với các cam kết trong WTO, Nhà nước không phân biệt hàng nội và hàng ngoại.
Hàng trong nước không chịu thuế thì hàng nhập khẩu cũng không chịu thuế, do đó doanh nghiệp nước ngoài luôn có lợi thế so sánh với doanh nghiệp trong nước về không chịu thuế, về chi phí thấp hơn, còn nhà nước bị thất thu một khoản tiền lẽ ra phải thu được nếu duy trì thuế 5%.
Đối với nhà sản xuất là các doanh nghiệp, khó khăn ở vật tư nguyên liệu đầu vào, chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ không được áp dụng chế độ khấu trừ thuế GTGT nên tất cả các khoản thuế đầu vào mà doanh nghiệp đã trả phải cộng vào giá bán, cộng vào chi phí cố định, làm tăng giá sản phẩm, nhiều doanh nghiệp hóa chất phân bón bị lỗ. CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau trong 9 năm vừa qua, số thuế đầu vào không được khấu trừ dồn tích lại, đầu tư không được khấu trừ cộng vào giá thành lên tới 2.446 tỷ đồng.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (phân bón Phú Mỹ), phân bón Ninh Bình, Hóa chất Hải Phòng… đều như vậy. Ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định.Đưa phân bón vào diện chịu thuế ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP-Vinachem cho biết Nếu như luật 71 lần này sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào danh mục hàng chịu thuế 5%, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhờ việc điều chỉnh được giá bán, tăng hậu mãi cho người nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất.
Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất từ đó giá bán cho người nông dân sẽ giảm, góp phần bình ổn thị trường.
Chỉ ra những lợi ích của việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5%, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, lợi ích thứ nhất là tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Bên cạnh đó, nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào, cần hạ mặt bằng giá bán.
Lợi ích thứ hai là Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi có nhiều điểm quan trọng, vẫn giữ nguyên 26 hàng hóa không chịu thuế nhưng 12 hàng hóa dịch vụ được đưa ra diện chịu thuế nên tính chất liên hoàn tốt hơn. Đặc biệt, quy định khấu trừ thuế đầu vào chặt chẽ hơn, tránh gian lận trong bối cảnh Việt Nam đã thực hiện quy định hóa đơn điện tử nên việc kiểm soát, quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trong kê khai thuế GTGT đầu vào.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phụng cũng thông tin, các nước trên thế giới đều áp dụng các chính sách thuế với ngành phân bón và không có nước nào như Việt Nam không áp thuế GTGT phân bón. Trung Quốc áp dụng thuế phân bón 11%. Nga áp dụng thuế GTGT phân bón 20%. Thái Lan áp dụng thuế GTGT phân bón 8%, Malaysia và Singapore đều áp dụng thuế GTGT cho phân bón…
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu