Phú Yên: Hơn 6.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do nắng nóng kéo dài
Phú Yên: Hơn 6.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do nắng nóng kéo dài
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, do ảnh hưởng nắng nóng, hiện nay nguồn nước giếng đào, giếng khoan của các hộ dân đã cạn kiệt, không đảm bảo nguồn nước sử dụng.
Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài trên diện rộng từ tháng 5-8/2024, các nguồn nước sẽ bị cạn kiệt, mực nước ngầm sẽ sụt giảm, một số giếng nước sinh hoạt bị khô cạn dần, dự kiến gần 6.500 hộ dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên thiếu nước sinh hoạt.
Theo Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng nắng nóng, hiện nay nguồn nước giếng đào, giếng khoan của các hộ dân đã cạn kiệt, không đảm bảo nguồn nước sử dụng. Hiện có 125 giếng bị khô cạn, với khoảng 240 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt, rải rác trên các địa bàn dân cư ở các xã thuộc huyện Đồng Xuân. Tuy nhiên, các hộ dân đã chủ động san sẻ nguồn nước và được sự hỗ trợ của các tổ chức trên địa bàn nên tình trạng thiếu nước cơ bản được khắc phục.
Theo dự báo, từ tháng 5-7/2024, nắng nóng mở rộng và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn tỉnh, với số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, mức nhiệt độ cao nhất tuyệt đối từ 38-400C, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn tỉnh phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 1-1,50C, tổng lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5-25%.
Trong điều kiện nắng nóng liên tục kéo dài và nguồn nước ngầm suy giảm, nhu cầu nước để bổ sung cho sản xuất, sinh hoạt và cây trồng cạn tăng rất cao; nguy cơ cao nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan của người dân cũng cạn dần dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Trước đó, ngày 17/3, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định phê duyệt triển khai phương án giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2024 tại địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương cần tập trung thực hiện các biện pháp sau: Các đơn vị, địa phương liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, củng cố kiện toàn các tổ đội, đội thủy nông cơ sở, tăng cường công tác quản lý, điều hành, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm cho sản xuất. Cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt, sử dụng và chia sẻ nguồn nước khi hạn hán xảy ra, vận động người dân tăng cường sử dụng trang thiết bị, hỗ trợ các gia đình chính sách, người già neo đơn, hộ nghèo dụng cụ chứa nước hộ gia đình ở những khu vực xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt… nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh đạt hiệu quả.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị