Khi đường làng thành đường phố

Năm 1994, khi đó tôi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở trọ gần Ngã Tư Sở. Mỗi lần đi từ khu nhà trọ đến nhà ông bác họ ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, buổi tối đi qua lối đường Nhân Chính (hiện nay), hai bên nhà vẫn còn thưa thớt. Những con phố như Khương Trung, Khương Hạ, Khương Đình, hay một số tuyến phố nhỏ thuộc các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… khi đó vẫn còn nhiều đường làng, vẫn thấy cảnh xe chở lúa từ đồng về nhà.

Thế rồi, cùng với quá trình đô thị hóa, các huyện thành quận. Đất đai nhanh chóng trở thành tài sản đặc biệt. Tấc đất “bỗng” thành tấc vàng, người dân khắp nơi “đổ” về Hà Nội sinh sống, lao động, lập nghiệp… những nhà dân vốn trước ở vùng ven đô cũng “xẻ” đất để bán, để xây nhà cho thuê. “Rừng nhà ống” mọc lên trên các tuyến đường làng, trong các ngõ ngách. Ở đâu có đất, ở đấy dựng nhà.

Chính vì thế, hiện tại dù đã thành quận, thành phường, nhưng chúng ta vẫn bắt gặp rất nhiều các tuyến phố bé tẹo, các ngõ sâu hun hút. Làng lên phố, đường làng thì vẫn vậy, nhà cửa mọc lên nhiều, cư dân về ở lắm, nhưng đường thì không mở rộng được.

Kết quả của quá trình đô thị hóa dẫn đến phá vỡ cả quy hoạch, không gian sống, và nguy hiểm hơn chính là sự an toàn tính mạng của người dân khi có hỏa hoạn xảy ra.

Vụ cháy ở Trung Kính là ví dụ điển hình. Khi xảy ra cháy, dù lực lượng chức năng đã điều xe cứu hỏa đến ngay, nhưng đường nhỏ, ngõ bé, xe không thể vào nổi, nên khi các chiến sĩ cứu hỏa tiếp cận được hiện trường, dụng cụ cứu hỏa đến nơi, thì ngọn lửa đã thiêu rụi cả dãy trọ…

Đây là thực tế và đặt cho hiện tại rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, dưới góc độ an toàn, chỉ còn cách triển khai thật nghiêm Công điện của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, các phường, xã, quận, huyện phải tổng rà soát lại tất cả các nhà trọ, chung cư mini cho thuê. Những căn nhà, dãy trọ nào không, chưa đảm bảo an toàn phòng chống, cháy nổ, kiên quyết ngừng hoạt động, kịp thời khắc phục ngay lập tức. Đồng thời, có chế tài xử phạt thật nặng.

Tới đây, khi Thành phố có đủ tiềm lực về kinh tế, những không gian, quỹ đất cho phát triển Thủ đô được hoàn chỉnh, chắc chắn ở thì tương lai, chúng ta sẽ không còn những làng trong phố. Thành phố sẽ trở nên văn minh và hiện đại.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích