Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trước tình hình biến đổi khí hậu

Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trước tình hình biến đổi khí hậu

Các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở thời gian qua khiến các đại biểu Quốc hội quan tâm về giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước của Bộ TN-MT.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những thách thức về an ninh nguồn nước. Ảnh: Tùng Đinh.
Biến đổi khí hậu đang gây ra những thách thức về an ninh nguồn nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Liên quan đến vấn đề này, các đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) và Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh về giải pháp đảm bảo nguồn nước, ổn định môi trường sống cho nhân dân trước tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Namm.

Đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, nhất là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Kiều, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh khẳng định, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến Việt Nam và nước ta là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu đó cũng tác động đến nguồn nước nên chúng ta phải có những giải pháp sớm để đảm bảo được an ninh nguồn nước. Việc đảm bảo an ninh nguồn nước thì đầu tiên chúng ta phải đảm bảo được nguồn nước nội sinh. Theo đó, chúng ta phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng và sử sử dụng hiệu quả nguồn nước”, lãnh đạo ngành tài nguyên, môi trường nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến tình hình sạt lở của khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như miền núi phía Bắc.

Để khắc phục và giảm thiểu tối đa tình trạng trên, Bộ TN-MT đang đánh giá về trữ lượng của cát, sỏi lòng sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để từ đó biết rõ được trữ lượng khai thác ở các vùng như thế nào.

Mặt khác, hiện nay, các địa phương đều đã có quy hoạch nên cần có sự rà soát, sắp xếp lại dân cư, những vùng có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Những nơi nào có nguy cơ cao về sạt lở thì phải bố trí lại dân cư.

Ngoài ra, cần có quy định và xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông. Cuối cùng là phải nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo về tình hình sạt lở đất.

Tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết công tác dự báo, dự phòng là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm chủ động ứng phó kịp thời các biến động do ảnh hưởng của thiên tai. Do đó, đại biểu rất mong Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm tới vấn đề này.

Bên cạnh đó, đồng tình với các nguyên nhân mà Bộ trưởng đã nêu, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé bổ sung thêm nguyên nhân làm gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam là tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ có giải pháp quản lý tốt hơn tình trạng khai thác nước ngầm hiện nay.

Đối với tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng cũng thống nhất với vấn đề đại biểu nêu, trong đó cần tăng cường công tác dự báo. Bộ đã chỉ đạo cơ quan trực thuộc nâng cấp trang thiết bị, phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường năng lực dự báo và hiện đã tiếp cận với trình độ quốc tế.

Điển hình như công tác dự báo hạn mặn được triển khai hiệu quả, cung cấp các bản tin thủy văn, cung cấp các bản tin cảnh báo thường xuyên theo chu kỳ 10 ngày, 1 tháng và theo mùa.

Theo ông Đặng Quốc Khánh, thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác này để có thể dự báo sớm, cảnh báo sớm và ngăn chặn các rủi ro của biến đổi khí hậu gây ra.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng tình trạng hạn hán trong nhiều năm tới sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp cho vấn đề này.

Trả lời đại biểu Phước, Bộ trưởng nhận định biến đổi khí hậu có tác động rất lớn trên nhiều vùng miền trên cả nước.

Ông nói: “Chúng ta phải chủ động thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và hoàn thành các quy hoạch khu vực sông, điều hòa điều phối nước hợp lý; đảm bảo sử dụng tối ưu nước, dự báo, cảnh báo sớm cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương để phòng chống hạn hán”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích