Những đứa trẻ nơi non cao Giang Ly

Trong veo những ước mơ

Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới bắt chuyện được với em Cà Thị Ngọc Xuân, lớp 2, Trường Tiểu học Giang Ly, người T’rin, có lẽ do em vẫn còn ngại ngùng với người lạ. Sinh và lớn lên nơi ngửa mặt là rừng, xung quanh là núi, nên cuộc sống của Xuân gặp nhiều thiếu thốn.

Trong một lần lên rẫy, ba em bị gãy chân không thể tiếp tục làm việc nặng, nên mọi gánh nặng lo toan đều đổ dồn về phía mẹ em. Thu nhập của gia đình đều phụ thuộc vào việc làm thuê, mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 30 đến 40 nghìn đồng.

Những đứa trẻ nơi non cao Giang Ly
Các em học sinh người đồng bào T’rin dùng bữa trưa tại điểm Trường tiểu học Giang Ly. Ảnh: Hương Thảo.

Khó khăn là vậy, nhưng ẩn sâu bên trong đôi mắt sáng ấy lại là khát khao thoát nghèo, là sự hiếu học, Xuân thủ thỉ: “Từ nhà đến trường cách 3km, đôi khi mẹ bận đi làm, thì con tự đi bộ đến trường. Ngày nào con cũng đi học dù mưa hay nắng. Lắm lúc đi bộ cũng mỏi chân và mệt, nhưng đi học thích lắm, cơm bán trú ở trường cũng ngon lắm ạ”.

Cách đó không xa, em Mạ Huyền Anh Thư, học sinh lớp 3, đưa đôi mắt hồn nhiên nhìn về phía chúng tôi khẽ hỏi: “Cô ơi, ở thành phố có nhiều tiệm sách và khu vui chơi phải không ạ? Con ước mùa hè này được xuống thành phố để đi chơi nhà phao, tắm biển, mua sách vở đẹp cho năm học mới và kể cho các bạn của mình nghe”.

Ngồi tâm sự với những đứa trẻ, chúng tôi mới thấu hiểu được hoàn cảnh của các em. Có thể nói, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao quá khó khăn, nên những đứa trẻ này cũng bị thiệt thòi khi không có điều kiện để phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần.

Cha mẹ các em thường mải lo từng bữa cơm, manh áo, nên ít có điều kiện quan tâm chăm sóc chúng. Các em nhỏ nơi đây hầu như không có khái niệm được cha mẹ mua đồ chơi. Ngoài giờ học ở trường, những đứa trẻ ấy còn lao động phụ giúp gia đình, hoặc trông em để cha mẹ đi làm.

Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi hỏi về ước mơ của mỗi đứa trẻ. Với lũ trẻ vùng cao, ước mơ của các em rất đơn giản, đôi khi chỉ cần những bữa ăn cùng cơm trắng, thêm một vài món mặn là đã đủ sức níu chân các em bám trường, bám lớp. Vì các em hiểu rằng, chỉ có “con chữ” mới giúp bản thân các em vươn lên và mở ra cánh cửa tương lai.

11h trưa, những tiếng ê a đọc bài thay bằng tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ khi tới giờ ăn cơm. Các em ngồi xếp hàng ngay ngắn, chờ tới lượt nhận những phần cơm được thầy cô chuẩn bị sẵn. Những đôi mắt đen láy, thể hiện sự háo hức khi nhìn thức ăn nóng hổi được dọn ra. Khi vào bữa, những đứa trẻ thoăn thoắt xúc từng muỗng cơm ăn ngon lành.

Hôm nay, có đoàn từ thiện ghé đến, lũ trẻ còn được uống thêm một phần trà sữa, thức uống mà đối với chúng rất xa xỉ. Khoảng khắc nhìn thấy các em thưởng thức trà sữa một cách say mê và ngon lành, ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc.

Trên đỉnh núi, những “mầm xanh” ấy đang dần lớn lên, mang theo những hi vọng, hoài bão là trở thành cô giáo, thầy giáo, bác sĩ… và giúp đỡ cho chính quê hương mình.

Viết tiếp giấc mơ tới trường cho trẻ

Thầy Phan Tiến Duẩn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Ly cho biết, năm học 2023 – 2024, điểm trường có 157 em học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Các em đều được miễn tiền học phí theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, các em đã đi học nhiều và đều hơn.

Phóng tầm mắt nhìn về học sinh đang vô tư nô đùa trên sân trường, thầy chia sẻ, trước đây, ngôi trường thầy và trò theo học nằm ở một vị trí khác, cơ sở vật chất sơ sài, thiếu thốn. Thời điểm đó, người dân lo cái ăn nên không quan tâm đến con chữ, điều đó đã chiếm hết cả thời gian và suy nghĩ của họ, nên một số người thờ ơ, không quan tâm đến việc học tập của con em mình cũng là điều dễ hiểu. Bởi vậy, học sinh thường xuyên nghỉ học để theo cha mẹ lên nương, rẫy để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Nhìn thấy những “mầm xanh” tương lai có nguy cơ bỏ học ngày càng nhiều, nên thầy và các thầy cô giáo khác thường xuyên đến từng nhà người dân vận động, thay đổi suy nghĩ cho con em đến trường trở lại. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2021, ngôi trường được dời về vị trí thuận tiện hơn, được xây dựng đạt chuẩn và khang trang, tạo điều kiện để thầy cô tiếp tục phấn đấu để đưa chất lượng dạy đi lên, cũng như góp phần tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh, để họ yên tâm cho trẻ đến trường.

“Nhờ vào sự góp sức của chính quyền địa phương, các mạnh thường quân, tổ chức xã hội, cộng với tiền chế độ hỗ trợ của các em, những học sinh của trường được giúp đỡ, quan tâm hơn. Các em rất ngoan và chịu khó học. Thầy và trò cùng nhau vượt khó”, thầy Duẩn bày tỏ.

Những đứa trẻ nơi non cao Giang Ly
Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ, nâng đỡ để trẻ em vùng xa như Giang Ly vượt khó, vươn lên. Ảnh: Hương Thảo.

Sau một ngày ở Giang Ly, chúng tôi trở về khi trời đã xẩm tối. Chiếc xe lăn bánh, đưa chúng tôi mỗi lúc một xa điểm trường. Trên đường về, hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên, mang theo nhiều giấc mơ dẫu quanh chúng cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó cứ khắc sâu vào tâm trí của chúng tôi. Liệu rằng, những ước mơ đó sẽ tiếp tục được vun đắp hay không?.

Bởi tôi nghĩ, những ước mơ đó chính là những viên gạch hồng cho tương lai. Một điều may mắn khi các em vẫn ham học, vẫn biết mơ ước, vẫn vẽ lên nét tươi tắn trên gam màu buồn của cuộc đời.

Có chút buồn khi thấy các em phải vất vả trong hành trình đi học và cả trong cuộc sống mưu sinh nhiều gian khó cùng cha mẹ mình. Mong sao, sau những ngược xuôi lo toan, cha mẹ các em sẽ tiếp tục đồng hành, nâng niu, yêu thương để nụ cười các em luôn nở trên môi.

Hiện nay, tại địa phương cũng đã có nhiều chính sách quan trọng dành cho đối tượng là trẻ em dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, so với trẻ em vùng thành thị thì vẫn còn khoảng cách khá xa.

Chúng tôi chỉ biết ước, đôi chân mình sẽ không bao giờ “mỏi”, bản thân giữ được nhiệt huyết nghề báo để viết, thông qua đó, làm cầu nối đến các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân, để cùng chung tay với địa phương trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em vùng cao có cơ hội phát triển, để những ước mơ của các em không dang dở, được chắp cánh bay xa, chứ không chỉ dừng lại ở những trang sách và lời bài hát.

Hương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích