UNICEF: Hàng chục nghìn trẻ em ở Afghanistan bị ảnh hưởng do lũ quét nghiêm trọng

UNICEF: Hàng chục nghìn trẻ em ở Afghanistan bị ảnh hưởng do lũ quét nghiêm trọng

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết tình hình lũ quét đang xảy ra tại Afghanistan đã làm ảnh hưởng đến hàng chục nghìn trẻ em tại nước này, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc và phía Tây.

Những trận mưa lớn bất thường theo mùa đã gây ra lũ lụt, dẫn đến sự tàn phá trên diện rộng, gây thiệt hại về người và tài sản, cũng như mùa màng ở nhiều vùng. Trong khi đó, vào năm ngoái, một số khu vực đã phải trải qua hạn hán nghiêm trọng. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác nhau đang báo hiệu cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng và làm ảnh hưởng đến người dân nước này.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ, mưa lớn đặc biệt ở Afghanistan đã làm trên 300 người thiệt mạng và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà trong tháng 5 vừa qua, hầu hết ở phía Bắc tỉnh Baghlan. WFP cho biết những người sống sót đã mất hết nhà cửa, đất đai và nguồn sinh kế.

Ngoài ra, trong bảng xếp hạng Chỉ số Rủi ro Khí hậu dành cho Trẻ em, Afghanistan đang đứng vị trí 15 trong số 163 quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em tại quốc gia Tây Nam Á này trước tình hình biến đổi khí hậu và môi trường cao hơn so với các khu vực khác. 

tm-img-alt
Lũ quét tàn phá ngôi làng ở tỉnh Baghlan của Afghanistan. (Ảnh: REUTERS)

Tuần trước, tổ chức Save the Children cảnh báo khoảng 6,5 triệu trẻ em Afghanistan dự kiến sẽ phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng trong năm nay, do sự kết hợp của nhiều yếu tố như ảnh hưởng của lũ lụt và hậu quả lâu dài của hạn hán.

Tiến sĩ Tajudeen Oyewale, đại diện UNICEF tại Afghanistan, kêu gọi sự giúp sức của cộng đồng quốc tế trong việc phải tăng cường nỗ lực và đầu tư nhằm giảm nhẹ các tác động biến đổi khí hậu đối với con người, đặc biệt là trẻ em. Ông Oyewale cho hay, UNICEF và cộng đồng nhân đạo cần phải chuẩn bị cho thực tế mới về các thảm họa liên quan đến khí hậu có thể xảy ra trong tương lai.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích