Thách thức của ngành năng lượng trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính
Ngành năng lượng phát thải khí nhà kính chiếm tỷ lệ cao nhất
Theo ông Đoàn Ngọc Dương – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2020 – 2023 mặc dù nền kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế Việt Nam vẫn có sự phục hồi phát triển khả quan. Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.
Phân tích kỹ hơn vấn đề trên, ông Nguyễn Tuyển Tâm – Trưởng phòng Kế hoạch Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, ngành năng lượng phát thải khí nhà kính nhiều nhất hiện nay, gần như toàn bộ lượng khí thải SO2, NOX và khoảng 85% bụi đến từ ngành năng lượng, chủ yếu từ quá trình đốt than và dầu, cũng như từ khí tự nhiên và sinh khối (Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 2016).
Theo đó, năm 2020 tổng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam lên đến 370,7 triệu tấn CO2 quy đổi, trong đó ngành năng lượng chiếm 67% lượng phát thải (247 triệu tấn CO2). Các quá trình sản xuất nông nghiệp và công nghiệp lần lượt chiếm 24% (88,3 triệu tấn CO2) và 18% (68,2 triệu tấn CO2) trong tổng phát thải khí nhà kính (Chiến lược Biến đổi khí hậu).
Phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng và khai thác năng lượng đã tăng từ 141,2 triệu tấn CO2 quy đổi năm 2010 lên đến 247 triệu tấn CO2 quy đổi năm 2020, trong đó 45% lượng phát thải liên quan đến hoạt động sản xuất điện trong năm 2020.
Những thách thức của ngành năng lượng trong mục tiêu giảm phát thải
Cũng theo ông Nguyễn Tuyển Tâm, ngành năng lượng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường hướng tới mục tiêu giảm phát thải.
Thứ nhất là khó khăn trong việc cung cấp đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng nhanh để phát triển kinh tế xã hội. Với tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 7%/năm, nhu cầu năng lượng/điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nhu cầu điện dự báo vẫn tăng khoảng 8-9% trong thập kỷ tới, do đó, việc đảm bảo phát triển đầy đủ và kịp thời hạ tầng cơ sở hệ thống năng lượng là một thách thức hàng đầu.
Thứ hai, trữ lượng và khả năng cung cấp năng lượng trong nước hạn chế. Các nguồn năng lượng trong nước có trữ lượng hạn chế như khí thiên nhiên, dầu, than, thủy điện và sinh khối đang được khai thác; Tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu; Những thách thức trong xây dựng các cảng mới để nhập khẩu than và LNG; Những thách thức trong việc tích hợp điện gió và điện mặt trời vào hệ thống điện; Những công cụ chính sách hiệu quả cho mở rộng quy mô phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ ba, tỷ lệ tuân thủ quy định và áp dụng biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thấp. Chương trình Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019-2025 và từ 8-10% trong giai đoạn từ 2019-2030.
Việc thực hiện thành công các mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn này còn nhiều thách thức. Mức giá năng lượng/điện còn thấp khiến mối quan tâm đầu tư vào các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả của các doanh nghiệp và người dân còn thấp.
Thứ tư, nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh nợ công tăng cao và cần phân bổ vốn cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho CSHT năng lượng trong bối cảnh giảm thiểu bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án năng lượng, việc tự do hóa các khu vực dịch vụ cạnh tranh và đối xử công bằng đối với người tham gia thị trường mới cần xem xét.
Thứ năm, thị trường năng lượng mới ở giai đoạn đầu. Để chuyển giao hiệu quả sang cơ chế thị trường, Việt Nam xem xét thực hiện: Xây dựng một kế hoạch cải tổ giá toàn diện và linh hoạt; Xây dựng chiến lược truyền thông mạnh; Điều chỉnh giá theo các giai đoạn một cách thích hợp, cải thiện hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích hiệu quả, giảm thiểu tác động của nhà nước lên định giá năng lượng.
Thứ sáu, Việt Nam đã cam kết về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng vẫn còn nhiều rào cản như: cần hoàn thiện và ổn định cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư, hỗ trợ giá và nội địa hóa công nghệ; Chi phí đầu tư cao; Năng lực và trình độ công nghệ sản xuất trong nước còn hạn chế, chất lượng của sản phẩm và tuổi thọ thấp, chưa sản xuất được các thiết bị trung tâm của hệ thống…
Có thể thấy, ngành năng lượng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khi nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng nhanh. Mặc dù đã có nhiều chính sách và chương trình để thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, doanh nghiệp, và cộng đồng. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, và xây dựng một thị trường năng lượng linh hoạt và hiệu quả.
Duy Trinh