Nỗ lực chống tin “xấu độc” trên không gian mạng

Nguy cơ bủa vây từ các thông tin “xấu, độc”

Hiện nay, các trang mạng xã hội phổ biến trên toàn cầu và ở Việt Nam có thể được kể đến là Facebook, Zalo, Tik Tok, Instagram… Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng hơn 65 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số gần 100 triệu dân, tức chiếm khoảng 2/3 dân số. Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, hiện tổ chức Công đoàn Việt Nam quản lý hơn 11 triệu đoàn viên (2/3 là công nhân lao động), sinh hoạt tại hơn 123.000 Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, riêng khu vực doanh nghiệp có khoảng 7,5 triệu đoàn viên là công nhân lao động. Công nhân lao động nước ta đang có xu hướng trẻ hóa, lao động dưới 30 tuổi chiếm trên 60%; đặc biệt, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này còn cao hơn. Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, của đời sống kinh tế – xã hội, hiện việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh và tìm kiếm thông tin trên các trang mạng xã hội đối với công nhân lao động là điều đơn giản. Tuy nhiên, do sự nhận thức còn chưa cao, việc tuyên truyền chính sách pháp luật còn hạn chế, dẫn đến việc nhiều công nhân lao động không thể phân định được đâu là thông tin xấu, thông tin độc hại, tin giả, tin phản động, kích động bạo lực… Từ đó, nhiều người rơi vào “bẫy” một số đối tượng truyền thông “bẩn”, hay những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Nỗ lực chống tin “xấu độc” trên không gian mạng
Thông tin bị làm giả trên website của Bộ Tài chính.

Đơn cử như vào năm 2020, rất nhiều thông tin xấu, tin giả được lan truyền trên mạng xã hội; trong đó, câu chuyện “thiếu đơn” hàng của Công ty Chí Hùng (Thành phố Hồ Chí Minh) trong dịp Covid-19 khiến nhiều người lao động lo lắng về việc bị cắt giảm nhân sự… Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng đã lên các trang mạng xã hội để kích động, xúi giục người lao động biểu tình gây rối.Hay như câu chuyện cuối năm 2023, từ những thông tin không chính xác trên mạng xã hội, khoảng 5.000 công nhân lao động Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An) đã bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động tham gia ngừng việc tập thể, gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự…

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định tất cả những đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường lao động ổn định, lành mạnh.

Chủ động trang bị vốn kiến thức cần thiết

Trước “ma trận” tin xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin xấu, tin giả không chỉ với mục đích hạ uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp; mà còn gây tâm lý hoang mang cho người lao động, dẫn đến việc bị xúi giục, kích động… Theo Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu – Cục truyền thông (Bộ Công an), người dân, đặc biệt là người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cần hết sức tỉnh táo khi tham gia vào mạng xã hội, bởi nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó. Nhiều người lao động khi tiếp cận thông tin không chính thống trên mạng xã hội và bị dẫn dụ bởi những thông tin sai sự thật đó dẫn đến những hành vi: Một là tham gia thực hiện những hành vi nguy hiểm, chống đối lại cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đình công, ngừng việc tập thể; thứ hai là quyên góp về tài chính, nhằm xúi giục, kích động gây rối… “Tôi cho là kỹ năng sử dụng mạng xã hội không chỉ riêng đối với người lao động, mà đối với một bộ phận người dân hiện còn rất yếu kém, thiếu sự nhận thức đầy đủ pháp luật. Thậm chí, người ta có thể hiểu nhưng coi thường pháp luật. Do đó, cần xử lý để làm gương với những đối tượng có tham gia việc vận động, tài trợ, hô hào, kích động, gây rối. Thông qua việc xử lý đó chúng ta nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc sử dụng mạng xã hội của người dân”, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết.

Có thể thấy, việc các thông tin xấu, độc, thông tin mang tính chất truyền thông “bẩn” trên các nền tảng mạng xã hội hiện đang có sự gia tăng về số lượng. Tuy nhiên, để phân biệt được đâu là thông tin xấu, thông tin độc hại, tin giả… không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, đặc biệt là đối với những người công nhân lao động khi mà thời gian làm việc còn nhiều hơn thời gian rảnh. Anh Trần Văn Toản, công nhân tại một Công ty thuộc Khu công nghiệp Phú Nghĩa, chia sẻ: “Do không có nhiều thời gian nên hầu như chúng tôi chỉ tìm kiếm thông tin trên các trang mạng xã hội, và cũng không có thời gian để kiểm chứng thông tin, nên không ít người đã tiếp nhận thông tin không chính xác, thông tin giả, tin xấu… Từ đó, ảnh hưởng tới nhận thức và dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, dễ bị kích động”.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Đào Đăng Sơn – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, tin giả, tin xấu độc có “đất” sống là bởi các quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi phát tán các tin giả, tin sai sự thật và xấu độc trên mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ, chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Do vậy, cần tăng mức xử phạt hành chính cũng như mức phạt tù đối với những người cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh mạng chưa hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, đồng thời việc xây dựng pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cũng đang chịu nhiều tác động bên ngoài. Vì thế, để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, không chỉ người lao động mà đối với tất cả người dân, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết. Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Để thực hiện được kỹ năng đó thì chúng ta cần tỉnh táo nhận diện được thông tin xấu, độc. Thông tin xấu, độc được nhận diện ở các yếu tố: Mục đích, ý nghĩa, nội dung…

Thiết nghĩ, để ngăn chặn thông tin xấu, độc, mỗi công dân cần phải có trách nhiệm lan tỏa những thông tin chính thống, chất lượng, chuẩn mực. Đó là cách để nhân rộng những điều tốt, cổ vũ những mặt tích cực, có ý nghĩa xây dựng xã hội. Mặt khác, tự thân mỗi người dân hãy xây dựng cho mình một cách tiếp cận thông tin nhạy bén, hiệu quả, đảm bảo uy tín, chất lượng.

Để hạn chế thông tin xấu độc trên môi trường mạng làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của công nhân lao động, thời gian qua các cơ quan chức năng, đặc biệt là báo chí đã luôn tiên phong trong việc cung cấp những thông tin chính thức liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách nhanh nhất, chính xác nhất đến bạn đọc, trong đó có công nhân lao động. Tuy nhiên, để mặt trận chống thông tin xấu độc trên không gian mạng hiệu quả hơn nữa rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Để hạn chế thông tin xấu độc trên môi trường mạng làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của công nhân lao động, thời gian qua các cơ quan chức năng, đặc biệt là báo chí đã luôn tiên phong trong việc cung cấp những thông tin chính thức liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách nhanh nhất, chính xác nhất đến bạn đọc, trong đó có công nhân lao động. Tuy nhiên, để mặt trận chống thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt hiệu quả cao hơn nữa rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tuấn Minh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích