Tài sản nhà đất thế chấp: Xử lý bất nhất, tổ chức và cá nhân ngay tình bị “vạ lây”

Một căn nhà, hơn 33 năm và 6 đời chủ

Báo Dân Việt ngày 27/5/2024 đã đưa tin: “Xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp nhà đất kéo dài hơn 33 năm ở TP.HCM”. Vụ án liên quan tới một bất động sản là tài sản thế chấp trong vay nợ làm ăn giữa 2 tổ chức kinh tế. Sau đó, tài sản được phát mãi và trải qua nhiều lần chuyển nhượng, với nhiều đời chủ khác nhau. Nhưng tranh chấp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và phải đưa nhau ra tòa.

Năm 1990, ông Nguyễn Thành Công (sinh 1955) thành lập Công ty tư doanh Bình Trọng kỹ thương (Bitroco). Bitroco liên kết làm ăn với Hợp tác xã tín dụng Bưu điện (viết tắt HTXTD Bưu điện). Ông Công có ký 2 khế ước (số 012561 ngày 12/2/1990 và số 022705 ngày 24/3/1990) vay tiền HTXTD Bưu điện, với tổng số tiền vay 500 triệu đồng.

Quá trình làm ăn, ông Công đã trả hết nợ (cả gốc và lãi); thậm chí trả dư tiền cho HTXTD Bưu điện. Mặc dù vậy, HTXTD Bưu điện vẫn vin lý do ông Công còn nợ, nên đề nghị UBND quận 5 kê biên, phát mãi căn nhà 317 Trần Bình Trọng của ông Công để lấy tiền trả nợ.

Tài sản nhà đất thế chấp: Xử lý bất nhất, tổ chức và cá nhân ngay tình bị “vạ lây”- Ảnh 1.
Mạt tiền căn nhà 317 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP.HCM đã trải qua 6 đời chủ, tranh chấp từ khi thế chấp cho HTXTD Bưu điện đến nay hơn 33 năm. Ảnh: Hoàng Hưng

Tháng 2/1991, bà Trịnh Tú Toàn (sinh 1969) mua căn nhà ông Công. Số tiền bán nhà (875 triệu đồng), sau đó đã được Ban thu hồi nợ quận 5 dùng để trả các khoản nợ mà ông Công đang nợ các chủ nợ như: HTXTD Bưu điện, HTXTD Nguyễn Trãi, Sài Gòn Công thương Ngân hàng – Chi nhánh Tân Bình…

Tuy nhiên, từ năm 1996 đến nay, ông Công đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi, cho rằng: Ông Công đã trả cho HTXTD Bưu điện hơn 1,52 tỷ đồng và 194 lượng vàng 24K. Trừ đi khoản nợ gốc cộng lãi (814,8 triệu đồng), vẫn còn dư ra 709,5 triệu đồng và 194 lượng vàng 24K. Như vậy, ông Công không nợ HTXTD Bưu điện.

Khi ký khế ước vay tiền, ông Công không thế chấp căn nhà 317 Trần Bình Trọng. Việc HTXTD Bưu điện đứng ra phát mãi tài sản – căn nhà 317 Trần Bình Trọng của ông Công là sai trái. Ông Công yêu cầu chính quyền quận 5 và UBND TP.HCM hủy bỏ việc phát mãi, hủy bỏ các giấy tờ nhà đất đã cấp cho bà Trịnh Tú Toàn và giao trả lại nhà cho ông Công.

Tài sản nhà đất thế chấp: Xử lý bất nhất, tổ chức và cá nhân ngay tình bị “vạ lây”- Ảnh 2.
Tờ khai thế chấp tài sản là căn nhà 317 Trần Bình Trọng, khi vay nợ HTXTD Bưu điện vào năm 1990. Ảnh: Hoàng Hưng

Việc khiếu nại kéo dài suốt nhiều năm và trớ trêu, sau này, căn nhà đã được bà Toàn chuyển nhượng cho Công ty TNHH TM Hải Đường (2008). Rồi Công ty Hải Đường chuyển nhượng cho ông Quách Chánh Sang (2009); ông Sang chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hữu Đặng (2019). Và, ông Đặng chuyển nhượng cho ông Trương Công Minh (2020). Căn nhà hiện đang được ông Minh quản lý, sử dụng. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi chủ sở hữu căn nhà qua nhiều chủ thể, còn liên quan tới 2 ngân hàng (tạm không nêu tên) đã nhận thế chấp và cho cá nhân vay tiền.

Tháng 3/2020, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án ông Công kiện bà Toàn, để đòi lại nhà. Bản án sơ thẩm công nhận căn nhà 317 Trần Bình Trọng là tài sản hợp pháp của ông Công. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, nên tháng 7/2020, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm. Ngày 27/4/2022, TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm, yêu cầu xử lại phúc thẩm.

Bật ra vụ án hình sự, nhiều bất nhất trong xử lý tài sản thế chấp

Không chấp nhận các bản án, những tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng ngay tình trong vụ tranh chấp đã nỗ lực đi tìm sự thật. Bất ngờ, người ta phát hiện ông Công từng bị Công an quận 5 khởi tố hình sự năm 1991. Sau đó, ông Công bị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” và tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”. Ngày 13/2/1993, TAND TP.HCM đã tuyên ông Công mức án 6 năm tù giam.

Điều đáng nói, trong số các nạn nhân bị ông Công lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong vụ án này, có ông Hồng Tồn Tường – chủ cũ căn nhà 317 Trần Bình Trọng. Năm 1989, ông Tường bán nhà cho ông Công với giá 35 lượng vàng. Nhưng ông Công mới trả ông Tường 13,5 lượng; còn lại 18,5 lượng , ông Công hứa khi hoàn thành thủ tục giấy tờ sẽ trả nốt số vàng còn nợ. Nhưng sau đó, ông Công không trả. Như vậy, căn nhà 317 Trần Bình Trọng chưa là tài sản hoàn toàn của ông Công.

Tài sản nhà đất thế chấp: Xử lý bất nhất, tổ chức và cá nhân ngay tình bị “vạ lây”- Ảnh 3.
Liên quan đến việc thế chấp tài sản là căn nhà 317 Trần Bình Trọng để vay nợ, hiện có 2 ngân hàng cũng bị “vạ lây” trong sự vụ này. Ảnh: Hoàng Hưng

Sau khi ra tù, ông Công gửi đơn khiếu nại HTXTD Bưu điện đòi nhà. Ông Công cung cấp cho cơ quan chức năng: “Biên bản v/v xác định việc giao nhận tiền, vàng và văn tự nhượng, thụ nhượng nhà” (9/1/1991), Phiếu thu ngày 22/12/1990 (thu 400 triệu đồng), Phiếu thu ngày 4/1/1991 thu 972 triệu đồng và 194 lượng vàng và Văn bản số 267/TD ngày 10/1/1991, với nội dung thể hiện ông Đoàn Thế Lập – chủ nhiệm HTXTD Bưu điện xác nhận đã nhận của ông Công 1,5 tỷ đồng và 194 lượng vàng.

Từ các chứng từ trên, ông Công lấy đó làm chứng cứ việc ông trả tiền thừa so với khoản nợ, mà ông Công nợ HTXTD Bưu điện. Từ đó, các cấp tòa án xét xử vụ án đều công nhận ông Công “trả thừa tiền nợ” cho HTXTD Bưu điện.

Tài sản nhà đất thế chấp: Xử lý bất nhất, tổ chức và cá nhân ngay tình bị “vạ lây”- Ảnh 4.
Một căn nhà 317 Trần Bình Trọng, nhưng ông Công đã thế chấp 2 tổ chức tín dụng (HTXTD Bưu điện và Sài Gòn Công thương Ngân hàng – chi nhánh quận Tân Bình) để vay nợ. Ông Công định thế chấp vay nợ thêm ở Ngân hàng Đại Nam, thì bị phòng công chứng phát hiện. Ảnh: Hoàng Hưng

Nhưng, một sự thật khác đã lộ diện: Bản kết luận giám định số 2304/C21B ngày 30/10/2000 do Phân viện KHHS, thuộc Tổng cục cảnh sát – Bộ Công an tại TP.HCM – đã kết luận chữ ký trên “Biên bản…” ngày 9/1/1991 và Phiếu thu ngày 4/1/1991… là “không phải do một người ký ra”, tức là tài liệu có dấu hiệu làm giả và giả mạo chữ ký. Chưa hết, phần lớn các tài liệu mà ông Công cung cấp (bản photo) cho tòa án, theo văn bản số 1317/CATP-PV01 ngày 14/5/2019 của Công an TP.HCM, đều “không có” , “không thu thập được” trong hồ sơ lưu trữ tại hệ thống hồ sơ nghiệp vụ của Công an TP.HCM.

Tài sản nhà đất thế chấp: Xử lý bất nhất, tổ chức và cá nhân ngay tình bị “vạ lây”- Ảnh 5.
Kết luận giám định chữ ký, tài liệu do ông Công cung cấp, theo Phân viện KHHS thuộc Bộ Công an, chữ ký có dấu hiệu giả mạo, không phải một người ký ra. Ảnh: Hoàng Hưng

Mặt khác, theo hồ sơ vụ án hình sự “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…”: Do sơ hở từ cán bộ nhà đất, ông Công có trong tay 3 bản chính “Giấy phép mua bán chuyển dịch nhà” số 69/GP-MB7, do Sở Nhà đất cấp ngày 4/1/1990 cho căn nhà 317 Trần Bình Trọng. Ông Công đã dùng 3 bản chính giấy phép trên thế chấp vay nợ 2 nơi: HTXTD Bưu điện và Sài Gòn Công thương Ngân hàng – chi nhánh Tân Bình. Ông Công tiếp tục dùng bản chính thứ 3 vay tiền ở Ngân hàng Đại Nam thì bị phòng công chứng phát hiện.

Và, việc ông Công vay nợ tại HTXTD Bưu điện, ông Công có thế chấp tài sản là căn nhà 317 Trần Bình Trọng. Tại “Tờ khai thế chấp tài sản” lập ngày 23/3/1990, ông Công đã ký xác nhận, xin thế chấp tài sản, với hồ sơ đính kèm là “Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà” số 69/GP-MB7 ngày 4/1/1990.

Rõ ràng, việc tòa án xét xử còn quá nhiều bất nhất, chưa xem xét đầy đủ chứng cứ, chủ yếu nghe theo một phía là ông Nguyễn Thành Công. Kỳ vọng phiên tòa phúc thẩm sắp tới, dư luận mong mỏi hội đồng xét xử cần đưa thêm các giám định tài liệu của Bộ Công an vào hồ sơ vụ án. 

Qua đó, mới có được phán quyết công bằng, khách quan, bảo vệ được quyền lợi người thứ ba ngay tình là các tổ chức, cá nhân bị “vạ lây” trong vụ án kéo dài này.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích