Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước tăng 13,8%

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,1%, kế hoạch là 5,97-6,68%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 12,9%, kế hoạch là 5,92-6,84%; xuất khẩu ước tăng 13,8%, kế hoạch là 8,3%; nhập khẩu ước tăng 18,4%, kế hoạch là 13,7%, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp với chỉ số IIP tăng cao.

Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%). Đáng lưu ý, xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao (trong 5 tháng đầu năm) như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ.

Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước tăng 13,8%.

Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao, nổi bật là thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (5 tháng xuất siêu 19,27 tỷ USD).

Dù đạt được những kết quả tích cực nhưng trong thời gian này sản xuất công nghiệp phục hồi chưa đồng đều. Cùng đó, hoạt động sản xuất và cung ứng năng lượng, đặc biệt đối với điện và xăng dầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do biến động giá cả xăng đầu trên thị trường trong nước và quốc tế; tình hình thời tiết, thủy văn không ổn định gây ảnh hưởng đến cung – cầu về điện.

Thêm vào đó, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá (đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng) và gia tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị), sự lên giá của đồng USD; xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, mặc dù xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong thương mại, đầu tư nhưng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ mới với nhiều rủi ro, thách thức và khó đoán định làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…

Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, ngành công thương tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 với 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong nửa cuối năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và pháp luật. Mặt khác, triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng.

Đặc biệt, Bộ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát tồn đọng để sớm đưa vào vận hành công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc triển khai các công trình trong lĩnh vực dầu khí, nhất là các dự án trong điểm về dầu khí, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Mặt khác, bám sát tình hình cấp than cho sản xuất điện để kịp thời tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ để xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến, chế tạo để mở rộng sản xuất. Cụ thể như xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp như thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ, ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…), an toàn thực phẩm.

Hơn nữa, trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước… để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; xem xét, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường cho ngành sản xuất trong nước (thép, phân bón, điện – điện tử…).

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn (Samsung, Toyota, Mitsubishi, Thaco…) cùng các tổ chức quốc tế (như World Bank, IFC, UNIDO…) nhằm thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung triển khai 4 Quy hoạch và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản (năng lượng, điện, hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt và thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản).

Đặc biệt, theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ xây dựng, đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống; tập trung cao độ cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và các địa phương triển khai Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đáng lưu ý, Bộ Công Thương tập trung các giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích