Vĩnh Phúc: Tự hào những người con góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
(Xây dựng) – Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản hùng ca bất diệt, hào hùng, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đã 70 năm trôi qua, song, những năm tháng gian khổ, hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những người lính, dân công hỏa tuyến Điện Biên năm xưa… Những ký ức đó trở thành niềm tự hào, bài học quý giá về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc cho thế hệ sau.
Cựu chiến binh Vũ Văn Ngọc đã hơn 90 tuổi vẫn nhớ như in về chiến trường đầy khốc liệt 70 năm trước. |
Là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Vũ Văn Ngọc ở Tổ dân phố Chùa, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên nay đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn nhớ như in về chiến trường đầy khốc liệt 70 năm trước. Ông Ngọc cho biết: Thực dân Pháp nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ lần 2 với quyết tâm xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, là pháo đài “bất khả xâm phạm”. Chiến dịch được chia làm 3 giai đoạn, mở đầu giai đoạn 1 từ ngày 13 – 17/3/1945, đơn vị tôi được giao trận mở đầu đánh cứ điểm Him Lam, rồi tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập. Lúc ấy, địch xả súng, nã pháo vô cùng ác liệt, chúng bắn phá, dội bom hàng trăm lượt mỗi ngày nhưng bộ đội ta vẫn tiến lên với khí thế chiến đấu sôi sục. Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chia làm 2 mũi thọc sâu, đánh phân tán để hạ gục và tiêu hao vô số quân địch. Phần lớn hoạt động của bộ đội ta đều diễn ra trong đêm.
Năm vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Tường ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tiếp bước cha anh xung phong ra mặt trận, được biên chế học tập, huấn luyện bộ đội chủ lực tại Đại đội 466, Quân khu Việt Bắc, đóng quân tại tỉnh Thái Nguyên. Ông từng trực tiếp tham gia các trận đánh tại bốt Cầu Oai (thị xã Vĩnh Yên cũ), bốt Cư A Nam Cường (Mê Linh – Hà Nội).
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tường xúc động chia sẻ những ngày trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tường kể lại: Sau chiến thắng của bộ đội ta ở sân bay Cát Bi – Hải Phòng ngày 7/3/1954 làm phá sản kế hoạch của tướng Pháp – Nava, chặt đứt con đường tiếp viện quan trọng nhất qua đường hàng không của thực dân Pháp lên chiến trường Điện Biên Phủ khi đó đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt. Thực dân Pháp phải chuyển sang tiếp viện lực lượng, vũ khí, lương thực qua đường bộ. Đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn Đồng Bằng chặn đường tiếp viện của Pháp đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc lên Điện Biên Phủ. Thời điểm ấy, lực lượng quân Pháp hùng hậu với vũ khí tối tân, hiện đại, trong khi lực lượng của quân ta mỏng, trang thiết bị thô sơ. Nhưng, với sự mưu trí, dũng cảm và khí thế quyết tâm, chúng tôi đã tổ chức từng đợt đột phá, đánh chiếm bất ngờ, đập tan nhiều đợt tiếp vận của địch khiến quân Pháp thiệt hại lớn cả lực lượng và trang thiết bị vũ khí khi chưa kịp lên đến cứ điểm Điện Biên Phủ. Qua đó, góp phần phá hỏng âm mưu, kế hoạch mở rộng vòng vây ở chiến trường Điện Biên Phủ của quân địch.
Dù ký ức đã phôi pha đi nhiều nhưng những hình ảnh về một thời chiến tranh gian khó, hào hùng vẫn còn in đậm trong tâm trí bà Đặng Thị Yến, 91 tuổi, cựu dân công hỏa tuyến ở Tổ dân phố Nga Hoàng, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo. Hai lần tham gia dân công hỏa tuyến, những đêm ngày vượt núi, băng rừng, mưa dầm, cơm vắt, vác đạn, làm đường, vận chuyển thương binh, vô số lần đối diện với bom đạn. Trong đó, không ít lần bị bom vúi kín và lại được đồng đội bới lên. Song vượt lên tất cả những khó khăn đó là tinh thần quật cường cùng niềm tin chiến thắng.
Bà Yến nhớ lại, khi được đưa đến các điểm làm việc, nhận nhiệm vụ mặc dù gian nan, vất vả nhưng với những thanh niên đang độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ai cũng đều cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất.
Bà Yến không nhớ đã cùng đồng đội hoàn thành vận chuyển bao nhiêu tấn vũ khí, lương thực và thương binh nhưng mọi khó khăn gian khổ trên chiến trường năm ấy không quật ngã được tinh thần thép của lớp người thanh niên như bà. Với ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng phục vụ chiến đấu, lực lượng dân công hỏa tuyến trở thành nguồn bổ sung lực lượng cho bộ đội chủ lực. Đây cũng là lực lượng phối hợp với các lực lượng khác đảm nhận vận chuyển, làm đường trên các hướng tiến công quan trọng dẫn vào Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Đảo tặng quà tri ân cựu dân công hỏa tuyến Đặng Thị Yến nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Nói về tinh thần tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, dù là bộ đội chủ lực hay dân công hỏa tuyến… ai cũng cảm thấy vinh dự, tự hào, ngay cả khi phải đánh đổi xương máu, đối mặt với những trận sốt rét kéo dài giữa thời tiết mùa hè nóng như: Đổ lửa, chịu cảnh đói, khát giữa rừng sâu nhưng ai cũng sục sôi khí thế quyết tâm, không chùn bước.
Sau 56 ngày đêm “máu trộn bùn non”, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo của Tổng chỉ huy – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người lính Cụ Hồ năm ấy đã có những trận đánh khiến thực dân quân Pháp “kinh hồn, bạt vía”, phải chấp nhận đầu hàng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đập tan hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước Đông Dương.
Chiến tranh kết thúc, trở về quê hương, những chiến sĩ, dân công hỏa tuyến Điện Biên năm xưa như ông Tường, ông Ngọc, bà Yến đều là tấm gương sáng để con, cháu, các thế hệ trẻ noi theo. 70 đã trôi qua, những nhân chứng sống về Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đã tuổi cao, sức yếu, người còn, người mất, nhưng những câu chuyện, sự hy sinh của họ vẫn luôn sáng mãi trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và thế hệ sau mãi mãi ghi ơn.
Nguồn: Báo xây dựng