Phú Yên triển khai mô hình Vận động ngư dân đem rác vào bờ
Phú Yên triển khai mô hình Vận động ngư dân đem rác vào bờ
Mục tiêu của mô hình là nâng cao kiến thức về chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải nhựa đến môi trường tự nhiên
Chiều 10/5, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) phối hợp với Sở TN&MT và Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị công bố thực hiện mô hình Vận động ngư dân đem rác vào bờ.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở TN&MT, NN&PTNT, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội nghề cá Phú Yên, đại diện WWF – Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub) và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển.
Mục tiêu của mô hình là nâng cao kiến thức về chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải nhựa đến môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường biển cho cán bộ, nhân viên cảng cá, ngư dân và người kinh doanh ở khu vực cảng. Tổ chức tuyên truyền về tác động, tác hại của rác thải nhựa đến ngư dân và người kinh doanh ở khu vực cảng cá. Truyền thông, vận động và giám sát ngư dân mang rác vào bờ để giảm thất thoát rác thải nhựa ra đại dương. Cải thiện hệ thống thu gom tại 4 cảng cá để tăng cường khả năng quản lý chất thải rắn tại cảng cũng như đáp ứng được lượng rác phát sinh từ ngư dân mang rác vào bờ tại các cảng cá, từng bước triển khai phân loại rác tại nguồn theo quy định.
Thông qua việc nâng cao nhận thức, thực hành của ngư dân, cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý cảng cá Phú Yên sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, về thực trạng ô nhiễm và sự suy thoái môi trường tự nhiên nói chung và môi trường biển nói riêng do rác thải nhựa gây ra. Mô hình sẽ vận động khoảng 500 chủ tàu cá ký cam kết, tham gia và cũng kêu gọi mọi người dân cùng tham gia các hoạt động thực hành giảm nhựa, tiêu dùng xanh, hạn chế phát thải rác thải nhựa, tiến tới nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần…
Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 5-12/2024; tổng kinh phí thực hiện hơn 1,1 tỉ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam của WWF – Việt Nam hơn 1 tỉ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của Sở TN&MT và Sở NN&PTNT.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị