Khó kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa trong phiên livestream bán hàng

Bùng nổ về hình thức livestream – bán hàng trực tuyến

Theo thống kê từ nền tảng tiếp thị liên kết AccessTrade Việt Nam, hiện có hơn 2,5 triệu phiên livestream bán hàng diễn ra hàng tháng trên ba nền tảng chính là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%), với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. 

Livestream bùng nổ đơn hàng tại chợ Bến Thành. Ảnh: Phương Quyên/TT

Từ đầu năm 2024, livestream bán hàng đã chứng tỏ hiệu quả tại các sự kiện thương mại lớn. Chợ Bến Thành ghi nhận doanh thu 4 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày livestream, trong khi sự kiện Xuân nghĩa tình đạt 1,6 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày. Ngày hội mua sắm Tết TP. Hồ Chí Minh – chợ Thủ Đức trực tuyến cuối tháng 1 năm 2024 đã chốt được 17.000 đơn hàng qua bán hàng livestream.

Theo báo cáo của Công ty TNHH công nghệ Cốc Cốc, 77% người tiêu dùng từng xem livestream bán hàng, và 71% trong số đó đã thực hiện mua hàng qua hình thức này. Đáng chú ý, thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1996) và Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) là những nhóm khách hàng chính, lần lượt chiếm 67% và 51% trong tổng số người xem và mua hàng qua livestream.

Khó kiểm soát chất lượng hàng hóa từ những phiên livestream “nhiều tỷ”

Sự phát triển bùng nổ của livestream bán hàng không thể phủ nhận đã mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết, số vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội không ngừng gia tăng, với tính chất và diễn biến ngày càng phức tạp. Không chỉ hàng tiêu dùng, mà ngay cả thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thuốc chữa bệnh cũng bị làm giả, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Gần đây, nhiều kho hàng giả và hàng nhập lậu đã bị lực lượng chức năng triệt phá trong quá trình livestream bán hàng. Ví dụ, vào ngày 18 tháng 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã phát hiện một doanh nghiệp tổ chức livestream bán hàng mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm trên TikTok Shop. Kiểm tra cho thấy, công ty này đang kinh doanh hơn 1.280 sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa với tổng giá trị vi phạm lên đến 350 triệu đồng.

Khó kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa ở các phiên livestream “trăm tỷ”. Ảnh minh họa

Tương tự, cuối tháng 12 năm 2023, lực lượng chức năng tại Hà Nội cũng kiểm tra kho hàng của hotgirl Nguyễn Hoàng Mai Ly tại khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến hàng hóa trong quá trình livestream bán hàng.

Mới đây trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, và hàng nhái tràn lan trong các phiên livestream có doanh thu trăm tỷ đồng. Đặc biệt, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về việc quản lý giá bán trong các phiên livestream, khi giá bán qua hình thức này thường thấp hơn nhiều so với giá đại lý, gây bất ổn thị trường và đặt ra nghi vấn về chất lượng sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận khó khăn trong việc quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường TMĐT và livestream. Bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp giữa các ngành như công thương, thông tin truyền thông và tài chính để kiểm tra, kiểm soát, và xử lý các vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tìm và xử lý các điểm tập kết hàng hóa để ngăn chặn kịp thời các sai phạm. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật để phù hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này.

Bài học từ Trung Quốc

Kinh nghiệm từ Trung Quốc, quốc gia có nền livestream bán hàng phát triển mạnh mẽ, cho thấy việc quản lý chặt chẽ hoạt động này là cần thiết để tránh các vi phạm pháp luật. Ở Trung Quốc, các nền tảng TMĐT lớn như Taobao, JD.com đã triển khai các quy định về nộp thuế và hậu mãi rất bài bản, giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động livestream bán hàng. Các vi phạm như trốn thuế hay bán hàng giả đều bị xử phạt nghiêm khắc. Ví dụ điển hình là Vy Á, một livestreamer nổi tiếng, bị phạt nặng vì trốn thuế và bị cấm hoạt động trên các nền tảng livestream.

Để quản lý hiệu quả chất lượng sản phẩm trong các phiên livestream bán hàng tại Việt Nam, không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn đòi hỏi sự phối hợp của các nền tảng TMĐT, người tiêu dùng, và doanh nghiệp. Các quy định về quản lý hoạt động livestream cần được hoàn thiện, đồng thời các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm phải được tăng cường. Chính quyền địa phương cũng cần phát huy vai trò của mình trong việc xử lý các xung đột lợi ích và giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích