Áp dụng công nghệ và chiến lược công nghệ trong truyền thông chính sách
Ứng dụng công nghệ mới trong truyền thông chính sách
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển, nhất là sản xuất hiện đại, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới sáng tạo.
Với hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông khá tốt, độ phủ sóng rộng và mật độ người dùng cao (hơn 70% người dân sử dụng Internet và thiết bị thông minh), Việt Nam có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển đổi số báo chí truyền thông, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông chính sách.
Theo bà Nguyễn Thy Nga – Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, công nghệ phát triển thiết bị thông minh bằng điều khiển giọng nói, sản xuất viral video, sản phẩm phát thanh audio podcast, và các công nghệ sử dụng AI để làm bản tin tự động, chuyển đổi giọng nói thành văn bản đều cần được tăng cường. Kế hoạch truyền thông chính sách cũng nên phát triển trên các sản phẩm thông minh như loa, thiết bị đeo trên người, thiết bị IoT, và các công nghệ có tiềm năng trong tương lai như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và mixed reality.
Sản phẩm MC ảo phát triển truyền thông chính sách cho các cơ quan chuyển đổi số
Dữ liệu trực tiếp là nguồn nội dung quan trọng để phát triển truyền thông chính sách. Chiến lược thu thập dữ liệu sẽ giúp các cơ quan truyền thông chính sách xác định rõ đối tượng khảo sát, mở ra các cơ hội để cải thiện chất lượng truyền thông và trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp. Việc xây dựng nội dung hấp dẫn để thu hút người dân, doanh nghiệp truy cập và đăng ký trên các hệ thống digital cần đi đôi với đầu tư vào các hệ thống công nghệ để thu thập và phân loại dữ liệu từ khảo sát, nghiên cứu.
Phát triển truyền thông chính sách trên các nền tảng mạng xã hội
Cũng theo bà Nguyễn Thy Nga, phát triển truyền thông chính sách không chỉ giới hạn ở mạng xã hội Facebook và YouTube mà cần mở rộng sang các kênh thu hút giới trẻ như TikTok, Snapchat, và các ứng dụng messaging như WhatsApp, Viber, Zalo. Việc thu thập thông tin lớn hơn và cá nhân hóa thông tin theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp sẽ giảm bớt sức lao động cho các nhân viên truyền thông, phóng viên, và báo chí, giúp họ có thời gian tập trung vào những chủ đề lớn mà không cần nhiều nhân lực.
Bên cạnh đó, quy trình sản xuất thông tin truyền thông chính sách cần được tích hợp và tổ chức nội dung thống nhất, nhưng cách thức thể hiện phải linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng và từng nhóm đối tượng. Một số cơ quan báo chí lớn trên thế giới còn cung cấp thông tin lên bảng điện tử công cộng, tới các thiết bị máy trạm cho ngư dân ngoài khơi, công nhân ở vùng sâu vùng xa, hàng không, v.v.
Ngoài ra, để truyền thông chính sách hiệu quả, cần sử dụng các công cụ đo lường và phân tích, như Google Analytics, Scoop.it, và Chartbeat. Các công cụ này giúp đánh giá hiệu quả của các hình thức tiếp cận, thu hút người dân và doanh nghiệp, và cách thức họ tương tác với thông tin. Dữ liệu thời gian thực về hành vi người dùng sẽ giúp các nhà quản lý nội dung phản ứng kịp thời và tương tác hiệu quả hơn với người dùng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ và chiến lược công nghệ trong truyền thông chính sách không chỉ giúp nâng cao hiệu quả truyền thông mà còn tạo sự đồng thuận xã hội đối với các chính sách, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Duy Trinh