Tiêu chuẩn ASTM về hệ thống lắp ráp robot

Theo thành viên ASTM Kenny Kimble, kỹ sư cơ khí của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia, các tiêu chuẩn được đề xuất (WK87213 và WK87214) sẽ cung cấp phương tiện đáng tin cậy và có thể lặp lại để kiểm tra khả năng lắp ráp của hệ thống robot. Các tiêu chuẩn được đề xuất cũng bao gồm phương pháp ghi lại thiết lập và cấu hình thử nghiệm để người dùng có thể tạo và so sánh kết quả thử nghiệm trong cộng đồng chế tạo robot.

Kimble cho biết: “Các tiêu chuẩn được đề xuất sẽ hữu ích nhất cho phòng thí nghiệm nghiên cứu robot, cả về mặt học thuật và công nghiệp, thường xuyên làm việc với các hoạt động lắp ráp sản xuất. Các nhà sản xuất có thể sử dụng tiêu chuẩn này để đánh giá hiệu suất của robot cũng như so sánh kết quả nhằm khuyến khích sự đổi mới và giải quyết vấn đề trong sản xuất”.

Các nhà sản xuất giải quyết trực tiếp vấn đề hiện tại liên quan đến việc lắp ráp robot. Họ cũng là một trong những người sử dụng chính các bảng thử nghiệm lắp ráp NIST đã có sẵn được tham chiếu trong các tiêu chuẩn đề xuất.

Đồng thời, Ủy ban thử nghiệm không phá hủy của ASTM International (E07) đang phát triển tiêu chuẩn đề xuất nhằm hướng dẫn quy trình kiểm tra độ dẫn điện để xác minh quá trình xử lý nhiệt của hợp kim nhôm.

Tiêu chuẩn đề xuất (WK86698) bao gồm các quy trình xác minh xử lý nhiệt hợp kim nhôm bằng kỹ thuật dòng điện xoáy, đo độ dẫn điện. Việc xử lý nhiệt hợp kim nhôm có thể được xác minh khi sử dụng phép đo độ dẫn điện kết hợp với phép đo độ cứng.

Theo thành viên của ASTM Adam Barrett, kỹ sư kiểm tra không phá hủy tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân, tiêu chuẩn đề xuất sẽ được sử dụng cho mục đích thử nghiệm không phá hủy, kiểm soát chất lượng luyện kim, sản xuất và phân tích lỗi. Tiêu chuẩn dựa trên tiêu chuẩn quân sự MIL-STD 1537 của Hoa Kỳ và hỗ trợ nỗ lực không ngừng nhằm chuyển đổi MIL-STD thành các tiêu chuẩn được ngành phê duyệt khi áp dụng.

Hà My (theo astm)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích