Mỹ thử nghiệm lâm sàng phác đồ điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài
Mỹ thử nghiệm lâm sàng phác đồ điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài
Thử nghiệm nhằm kiểm tra hiệu quả của các phác đồ điều trị tiềm năng với các hội chứng COVID-19 kéo dài, trong đó có rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tập thể dục và mệt mỏi do gắng sức (PEM).
Ngày 8/5, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết sẽ bắt đầu tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra hiệu quả của các phác đồ điều trị tiềm năng đối với các hội chứng COVID-19 kéo dài, trong đó có rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tập thể dục và mệt mỏi do gắng sức (PEM).
Theo NIH, các thử nghiệm mới sẽ được áp dụng đối với gần 1.660 người tại 50 địa điểm nghiên cứu.
Giám đốc Viện nghiên cứu về Rối loạn thần kinh và đột quỵ quốc gia thuộc NIH Walter J. Koroshetz nêu rõ: “Những triệu chứng được điều trị thử nghiệm thực sự gây trở ngại và có hại cho sức khỏe của nhiều người đang mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.”
Ông nhấn mạnh sự cấp thiết phải tìm ra các phác đồ điều trị để người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài có được giấc ngủ ngon, có thể tự vận động và hơn hết là cảm thấy khỏe mạnh trở lại.
Cũng theo NIH, các thử nghiệm về điều trị PEM được phát triển để giải quyết những lo ngại về sự an toàn của người bệnh, cũng như hiểu rõ hơn cách thức chương trình nghiên cứu này giúp cải thiện các triệu chứng PEM.
Hội chứng COVID-19 kéo dài được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là “Tình trạng xảy ra ở người có tiền sử mắc nhiễm virus SARS-COV2, xuất hiện sau 3 tháng sau khi khởi phát COVID-19 với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán. Theo ước tính của CDC Mỹ có khoảng 35% số ca bệnh COVID-19 có thể gặp phải Hội chứng COVID-19 kéo dài. Hội chứng có thể biểu hiện thành nhiều triệu chứng khác nhau với thời gian hồi phục khác nhau.
Một số người mắc Hội chứng COVID-19 kéo dài có thể có những triệu chứng mới hoặc tiếp diễn các triệu chứng kéo dài nhiều tháng. Các triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, giảm sức bền khi vận động, ho, đau cơ, khớp, khó thở, đau tức ngực, nhịp tim nhanh, nhịp tim nhanh kèm tụt huyết áp tư thế, khó tập trung, lo lắng, hồi hộp, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt (phụ nữ), rụng tóc, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, thậm chí có người bị lú lẫn, mất vị giác, khứu giác…
Duy Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị