Khối ngoại đã “chán” LPB?

Tính từ đầu năm 2024, cổ phiếu LPB có tỷ suất sinh lời thuộc tốp đầu nhóm ngân hàng, với mức tăng 63,8%. Hiệu suất này vượt xa nhiều tên tuổi hàng đầu trong nhóm cổ phiếu “vua”, chẳng hạn như: TCB (+52,4%), ACB (+22,8%) hay MBB (+19,2%).

Tuy vậy, theo dữ liệu của CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap), kết thúc 5 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng 904,3 tỷ đồng cổ phiếu LPB. Đó thực sự là con số đáng chú ý, nếu so với thống kê tương ứng của cả năm 2023: 701,8 tỷ đồng.

Khối ngoại miệt mài “xả” ròng cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank) trong nhiều tháng liên tiếp. Tính đến ngày 31/5/2024, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại LPBank ở mức 0,92%. Tuy vậy, tín hiệu đáng mừng là nó đã nhích tăng so với mức 0,89% ở thời điểm kết phiên giao dịch ngày 23/5.

Động thái bán ròng của khối ngoại có thể hiểu là do sự thay đổi trong kỳ vọng và chiến lược đầu tư, thay vì hoạt động “chốt lời” thông thường.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài được xem như “thước đo” về tính minh bạch, chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của tổ chức mà họ đầu tư.

Họ đặc biệt quan tâm tới cổ phần nhà băng Việt, bằng chứng là “room” ngoại ở nhiều nhà băng thường xuyên được lấp đầy, hoặc có “hở” thì cũng chỉ trong một thời gian ngắn, hiếm khi kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, chứ chưa nói đến bằng năm.

“Room” ngoại tại LPBank có phần hạn chế, được “khóa” ở mức 5% vốn điều lệ từ năm 2017. Dù vậy, nhiều năm qua, LPBank vẫn luôn ở trong tình trạng “kín room”, ít nhất là cho tới cuối năm 2022, sau loạt biến động nhân sự nơi thượng tầng của nhà băng này.

Nắm giữ chiếc ghế quyền lực nhất nơi thượng tầng LPBank hiện nay là ông Nguyễn Đức Thụy (“bầu” Thụy). Vị doanh nhân gốc Ninh Bình vào HĐQT LPBank từ tháng 5/2021, rồi được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhà băng này vào tháng 12/2022.

Ông Nguyễn Đức Thụy được biết đến là người có tính cách quyết liệt, với những phát ngôn thẳng thắn và có phần bộc trực khi làm ông “bầu” bóng đá. Ông từng trả “cái giá trên trời” để thâu tóm cổ phần Khách sạn Kim Liên từng gây ồn ã trên truyền thông hồi cuối năm 2015.

Còn trong lĩnh vực ngân hàng, trước khi vào LPBank, dấu ấn của vị doanh nhân nức tiếng đất Ninh Bình, xem chừng, vẫn còn khiêm tốn.

Dưới thời “bầu” Thụy, LPBank đang triển khai kế hoạch đổi tên từ “Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt” thành “Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam”. Động thái này, theo Vietcap, cho thấy LPBank sẽ không còn quá phụ thuộc vào hình ảnh thương hiệu của Bưu điện Việt Nam (VNPost) – “thương hiệu” từng giúp LPBank giành được thị phần ở khu vực nông thôn.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024) của LPBank vào tháng trước còn thông qua việc mua/nhận chuyển nhượng/cho thuê tài sản để làm trụ sở hoạt động cho Trụ sở chính/Chi nhánh/Phòng Giao dịch và nơi làm việc cho nhân viên ngân hàng. Nếu giá trị tài sản lớn hơn 20% vốn điều lệ của LPBank, HĐQT sẽ chủ động quyết định và sau đó sẽ báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Trước đó, tại AGM 2023, LPBank đã được chấp thuận mua/nhận chuyển nhượng tòa nhà tọa lạc tại số 210 Trần Quang Khải, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội làm trụ sở chính của ngân hàng nhưng việc này vẫn chưa được triển khai. Lưu ý rằng, tòa nhà 210 Trần Quang Khải thuộc quản lý bởi Thaiholdings – doanh nghiệp được xem như “con đẻ” của đương kim Chủ tịch LPBank Nguyễn Đức Thụy./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích