Người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động, có được hưởng hỗ trợ?
Ảnh minh họa. |
Trả lời: Theo cơ quan BHXH, đối tượng, điều kiện, mức hưởng cụ thể với NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
– NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
– Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Về căn cứ tính mức hỗ trợ: Trên cơ sở thời gian đã đóng BHTN của NLĐ tại thời điểm ngày 30/9/2021 nhưng chưa được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đến ngày 30/9/2021 chưa có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tổng thời gian đóng BHTN chưa hưởng làm căn cứ để xác định mức hỗ trợ của NLĐ là tổng thời gian đóng BHTN chưa hưởng tại thời điểm ngày 30/9/2021.
Như vậy, để được hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, NLĐ cần đáp ứng 2 điều kiện sau:
– Chấm dứt Hợp đồng lao động từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021 (trường hợp có BHTN bảo lưu nhưng chấm dứt trước ngày 1/1/2020 thì không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ).
– Đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt Hợp đồng lao động có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, BHXH Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH Thành phố đã ban hành công văn số 4492/BHXH-QLT về việc BHXH Thành phố tạm thời chưa tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg cho đến khi có hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với NLĐ tại thời điểm 30/9/2021 thuộc 4 đối tượng sau đây:
– NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH.
– NLĐ tạm hoãn thực hiện Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật.
– NLĐ nghỉ việc không hưởng lương.
– NLĐ đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động/Hợp đồng làm việc trái pháp luật (tự ý bỏ việc).
Nguồn: Báo lao động thủ đô