Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Một số quy định sẽ khiến doanh nghiệp tốn thời gian
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Một số quy định sẽ khiến doanh nghiệp tốn thời gian
Nếu đi vào thực thi một số quy định tại dự thảo nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm tốn thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Nhằm cụ thể hóa một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT 2020) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 17/11/2020, Chính phủ đang tiến hành soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 (Dự thảo Nghị định).
Hiện nay, Dự thảo Nghị định này đã hoàn thành giai đoạn lấy ý kiến của các chuyên gia và cơ quan ban ngành có liên quan để hoàn thiện nội dung quy định.
Quy định về thủ tục Giấy phép môi trường
Với thủ tục cấp mới Giấy phép môi trường (GPMT), tùy thuộc vào từng loại dự án, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện việc lập hồ sơ và thực hiện thủ tục xin cấp GPMT gửi tới cơ quan có thẩm quyền cấp phép khác nhau.
Cơ quan cấp phép sẽ xem xét và giải quyết hồ sơ xin cấp GPMT trong thời hạn 10 ngày sau khi có kết quả kiểm tra thực tế hoặc kết quả thẩm định dự án đầu tư.
Đối với các dự án đầu tư có nhiều giai đoạn hoặc nhiều công trình, hạng mục công trình, GPMT cũng có thể được cấp theo từng giai đoạn, từng công trình, hạng mục công trình có phát sinh chất thải và GPMT được cấp sau sẽ tích hợp nội dung GPMT được cấp trước vẫn còn hiệu lực.
Quy định này giúp cho chủ đầu tư có thể thực hiện các thủ tục GPMT theo từng giai đoạn phù hợp với tiến độ dự án đầu tư đã đề ra mà vẫn có thể kiểm soát được các vấn đề môi trường của dự án. Các thời hạn giải quyết của thủ tục cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại GPMT cũng được Dự thảo Nghị định quy định theo hướng tương đương với thời gian cấp mới hoặc từ 7 đến 10 ngày, tùy thuộc vào cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Việc quy định thống nhất sử dụng một loại GPMT như quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là một bước tiến quan trọng trong quá trình tăng cường quản lý các dự án có liên quan đến môi trường và giảm thiểu chi phí trong hoạt động đầu tư, triển khai dự án.
Tuy nhiên, trình tự, thủ tục trong việc cấp mới hoặc điều chỉnh GPMT được quy định tại Dự thảo Nghị định có thể làm kéo dài thời hạn cấp GPMT do Dự thảo Nghị định chưa quy định cụ thể về thời hạn thẩm định hoặc kiểm tra thực tế đối với các dự án đầu tư sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhận được hồ sơ xin cấp GPMT từ chủ đầu tư. Việc hệ thống hóa và đơn giản các thủ tục này sẽ là một thách thức lớn đối với các cơ quan có thẩm quyền về môi trường trong việc cấp phép và quản lý các dự án.
Quy định về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường tạo chồng lần
Điều 154 Dự thảo Nghị định quy định về các đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường khá tương đồng với Điều 31 Nghị định 19/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 40/2019/NĐ-CP, bao gồm: (i) Hoạt động dầu khí bao gồm hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; (ii) Sử dụng tàu biển chuyên dùng có dung tích trên 1.000 GT để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ và các hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; (iii) Sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu; (iv) Sản xuất hóa chất cơ bản có công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; (v) Sản xuất phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn) có công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; (vi) Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật với công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; (vii) Sản xuất ắc quy có công suất từ 300.000 KWh/năm trở lên hoặc 600 tấn sản phẩm/năm trở lên; (viii) Lọc, hóa dầu có từ 10.000.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; (ix) Vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định vẫn chưa quy định cụ thể về giá trị trách nhiệm bồi thường tối thiểu tại các hợp đồng bảo hiểm mà các đối tượng nêu trên phải tham gia. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng các tổ chức, cá nhân sẽ mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường ở mức phí thấp nhất để duy trì hợp đồng bảo hiểm theo các quy định pháp luật, mà mức bảo hiểm đó chưa thể tương xứng mức độ thiệt hại có thể xảy ra đối với môi trường từ các dự án đầu tư của họ.
Đồng thời, Dự thảo Nghị định đã lược bỏ các nội dung liên quan đến việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường được quy định tại các văn bản pháp luật trước đây. Điều này có thể làm giảm ý nghĩa của việc bắt buộc phải tham gia bảo hiểm đối với các dự án có rủi ro cao về môi trường và kéo dài quá trình giải quyết hậu quả của các sự cố môi trường khi xảy ra.
Có thể thấy, Dự thảo Nghị định đang được xây dựng theo hướng tổng hợp và thống nhất các quy định về môi trường trong một văn bản cụ thể, thay vì quy định rải rác ở nhiều Nghị định khác nhau như trước đây (ví dụ như việc quy định về đánh giá tác động môi trường được quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP, quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường tại Nghị định 03/2015/NĐ-CP… bên cạnh những Nghị định chung về hướng dẫn một số điều của Luật BVMT 2014). Điều này sẽ giúp cho các quy định pháp luật về môi trường được thống nhất và giảm thiểu tình trạng quy định chồng chéo giữa các văn bản khác nhau.
Đồng thời, Ban soạn thảo cũng đang nỗ lực để xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo đúng tinh thần của Luật BVMT 2020, nhằm thúc đẩy trách nhiệm về môi trường của chủ đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án, cũng như tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền về môi trường. Các doanh nghiệp cần tiếp tục cập nhật tiến trình soạn thảo của Dự thảo Nghị định này để bảo đảm việc thực hiện và triển khai hoạt động của dự án phù hợp với quy định pháp luật.
Đặc biệt, cần lưu ý đến điều khoản chuyển tiếp của Dự thảo Nghị định nếu các dự án đang trong quá trình chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ để thực hiện các thủ tục liên quan môi trường theo các quy định pháp luật trước đây.
Được biết, Nghị định này dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua vào tháng 9/2021.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị