Áp dụng hiệu quả ISO 45001 – doanh nghiệp thiết lập môi trường làm việc an toàn, lành mạnh

Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 được chính thức ban hành vào ngày 12/3/2018 bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) nhằm thay thế OHSAS 18001:2007. Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 tuân theo cách tiếp cận hệ thống quản lý chung khác như ISO 9001, ISO 22000, ISO 14001… Đây là tiêu chuẩn quốc tế mới về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế theo Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 giúp doanh nghiệp thiết lập môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, cải thiện liên tục về sức khỏe và an toàn cho người lao động.

Khi triển khai áp dụng ISO 45001, doanh nghiệp đạt được kết quả, hiệu quả trên nhiều mặt. Cụ thể, doanh nghiệp chứng tỏ được khả năng quản lý các rủi ro, cơ hội và cải tiến kết quả thực hiện về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, ngăn ngừa thương tật, đau ốm liên quan tới công việc và cung cấp nơi làm việc an toàn, đảm bảo sức khỏe.

Thông qua áp dụng ISO 45001, doanh nghiệp chủ động nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu luật định và các yêu cầu khác về quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp; phòng tránh rủi ro về pháp lý và khiếu nại về an toàn, môi trường lao động, đảm bảo người lao động tham gia sản xuất, ngăn ngừa hạn chế tổn thương, bệnh tật cho người lao động… góp phần phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Để thực hiện thành công ISO 45001 thách thức lớn nhất là đảm bảo các chính sách và quy trình được thực hiện chính xác, hiệu quả. Điều này có thể đạt được bằng cách áp dụng lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, cải tiến. Tập trung vào việc đáp ứng yêu cầu được trong các điều khoản.

Tiêu chuẩn ISO 45001 còn là cơ hội cho các tổ chức gắn kết định hướng chiến lược với hệ thống quản lý OH&S. Đồng thời tập trung nhiều hơn vào cải thiện hoạt động sức khỏe và an toàn nghề nghiệp.

Thời gian qua, tại Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng Tiêu chuẩn ISO 45001 đem lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ – hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng thương mại tổng hợp và cung cấp dịch vụ dầu khí đã quyết tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận chuyên môn trong quá trình chuyển đổi hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

Việc chuyển đổi, áp dụng ISO 45001 bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Theo đó, Công ty chứng tỏ được khả năng quản lý rủi ro, cải tiến kết quả thực hiện về an toàn sức khỏe nghề nghiệp, ngăn ngừa thương tật và đau ốm liên quan tới công việc, cung cấp nơi làm việc an toàn. Quan trọng hơn, qua đó đã loại bỏ mối nguy và giảm thiểu rủi ro bằng việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa có hiệu lực, người lao động yên tâm sản xuất kinh doanh.

Hay tại công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đường mía, công ty đã triển khai áp dụng Tiêu chuẩn ISO 45001, thực hiện các hoạt động rà soát quy trình, tài liệu của hệ thống, xây dựng, điều chỉnh cho phù hợp thực tế cũng như yêu cầu.

Đồng thời, từng bước hoàn thiện bộ phận an toàn vệ sinh lao động; sắp xếp cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh lao động, cung cấp trang thiết bị cần thiết phục vụ về an toàn vệ sinh lao động… Bằng sự cố gắng, quyết tâm, công ty đã hoàn tất việc chuyển đổi hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo ISO 45001.

Tại Unicons – Coteccons Group, đơn vị này đã tiên phong thực hiện công tác đánh giá và chuyển đổi hệ thống sang Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 vào năm 2018 ngay sau khi Tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007 hết hiệu lực. Bằng việc tiên phong chuyển đổi hệ thống ISO 45001 thay OHSAS 18001 khi bộ tiêu chuẩn vừa được chính thức áp dụng, Unicons càng khẳng định uy tín của tổng thầu hàng đầu và luôn xem an toàn chính là giá trị cốt lõi trong toàn bộ hoạt động của Công ty.

Một ví dụ khác là Công ty cổ phần Sản xuất thương mại HEVI – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì carton các loại. Việc áp dụng ISO 45001 tại công ty bước đầu mang lại kết quả tích cực như: chứng tỏ được khả năng quản lý rủi ro, cải tiến kết quả thực hiện về an toàn sức khỏe nghề nghiệp, ngăn ngừa thương tật và đau ốm liên quan tới công việc, cung cấp nơi làm việc an toàn. Quan trọng hơn, việc nâng cao nhận thức về an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động nhằm giúp họ có khả năng nhận biết rõ mối nguy và giảm thiểu rủi ro bằng việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa có hiệu lực, giúp người lao động yên tâm trong hoạt động sản xuất.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích