Truy xuất nguồn gốc thủy sản theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13991:2024

Hải sản là một trong những mặt hàng quan trọng của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên các thị trường này đều yêu cầu nghiêm ngặt và khắt khe về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Do đó, để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản tuân theo Tiêu chuẩn TCVN 13991:2024 sẽ giúp tạo sự tin tưởng và nâng cao uy tín thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất thông tin sản phẩm từ đó yên tâm hơn trong quá trình chọn mua thủy sản.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13991:2024 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/GS1 Mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. 

Tiêu chuẩn đưa ra các hướng dẫn về cách xác định, định danh và theo dõi đối tượng truy xuất nguồn gốc, thành phần dữ liệu cần thu thập và lưu trữ đối với các bên tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản dùng cho người. Tiêu chuẩn này được áp dụng đối với thủy sản đánh bắt và nuôi trồng. Tiêu chuẩn không áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản đánh bắt và nuôi trồng sau: nhuyễn thể, động vật giáp xác và cá có vây.

Về định danh đối tượng truy xuất, Tiêu chuẩn hướng dẫn các tổ chức sử dụng mã truy vết vật phẩm để định danh thương phẩm chưa hoặc sắp đóng gói tại bất kì bước nào trong chuỗi cung ứng cho tới người dùng cuối. Để đảm bảo truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng, mã truy vết vật phẩm phải được cấp ngay khi có thể.

Thủy sản là ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam nên việc truy xuất nguồn gốc sẽ đảm bảo tính minh bạch, tăng tính cạnh tranh. (Ảnh minh họa)

Đối với sản phẩm có nhãn hiệu, chủ nhãn hiệu có trách nhiệm cấp mã truy vết vật phẩm. Đối với các thương phẩm không có nhãn hiệu, mã truy vết vật phẩm cần được gắn bởi bên đưa sản phẩm ra thị trường(có thể là cơ sở sản xuất/chế biến hoặc cơ sở bán buôn).

Khi cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối hoặc cơ sở dịch vụ ăn uống yêu cầu cho nhãn hàng riêng thì cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối hoặc cơ sở dịch vụ ăn uống trở thành chủ sở hữu nhãn hàng và có trách nhiệm định danh sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Nếu trong chuỗi cung ứng có một tổ chức tiếp tục chế biến và đóng gói sản phẩm thì tổ chức có trách nhiệm cấp mã truy vết vật phẩm và các thông tin truy xuất nguồn gốc.

Tổ chức sử dụng mã truy vết vận chuyển để định danh các pallet chứa sản phẩm đã đóng gói, cũng như đơn vị lớn như container, túi, bao… mã truy vết vận chuyển độc lập với mã truy vết vật phẩm, có thể sử dụng để định danh đơn vị logistic chứa các thành phần đồng nhất hoặc pha trộn.

Về quản lý mã truy vết vật phẩm, Tiêu chuẩn cũng hướng dẫn mỗi sản phẩm/vật phẩm cần được cấp/gán một mã truy vết vật phẩm (GTIN) riêng. Mỗi đơn vị đóng gói như thùng carton, khay, sản phẩm chế biến trực tiếp tại cửa hàng cần được cấp một mã mã truy vết vật phẩm riêng biệt.

Mỗi sản phẩm được lưu hành ở trạng thái bảo quản khác nhau cần được cấp một mã truy vết vật phẩm riêng biệt (ví dụ: một sản phẩm được lưu hành ở dạng mát và cấp đông thì mỗi dạng phải được cấp một mã truy vết vật phẩm riêng).

Các lô sản phẩm có tuyên bố tiếp thị hoặc phương pháp sản xuất khác nhau nếu đặc điểm đó là đặc điểm quan trọng đối với người mua thì sản phẩm đó cần được cấp mã truy vết vật phẩm riêng biệt (ví dụ: đánh bắt tự nhiên, nuôi trong trang trại, sản phẩm hữu cơ, v.v.). Tổ chức cấp một mã truy vết vật phẩm riêng cho từng cấu hình pallet và thùng carton khác nhau.

Yêu cầu tối thiểu để truy xuất nguồn gốc dựa trên sự kết hợp giữa mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ và/hoặc số sê-ri. Số lô/mẻ và sê-ri cần được đảm bảo tính duy nhất, đặc biệt trong trường hợp có nhiều bên (Ví dụ: nhà thầu phụ) hoặc đơn vị chức năng (Ví dụ: tàu đánh cá) cùng gán các mã số này cho cùng một mã truy vết vật phẩm. Không thể tái sử dụng số lô/mẻ trong thời gian lưu trữ hồ sơ đánh bắt cá. Trường hợp triệu hồi sản phẩm/vật phẩm nếu xảy ra trường hợp có cả số lô/mẻ và số sê-ri thì ưu tiên triệu hồi sản phẩm/vật phẩm theo lô/mẻ.

Trong các kênh phân phối thủy sản, sản phẩm có thể được chia làm hai loại: loại có khối lượng cố định và loại có khối lượng thay đổi. Ngoài ra, các sản phẩm có khối lượng cố định được sản xuất và tiêu thụ với cùng một khối lượng như nhau. Sản phẩm có khối lượng cố định được định giá theo từng đơn vị sản phẩm mà không theo khối lượng. Sản phẩm có khối lượng thay đổi là sản phẩm mà mỗi đơn vị bán ra có khối lượng khác nhau. Loại có khối lượng thay đổi được niêm yết giá theo tổng khối lượng của vật phẩm đó. Các sản phẩm được vận chuyển từ nhà cung cấp tới cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối, hoặc cơ sở dịch vụ ăn uống theo một trong các dạng bao gói sau.

Gán mã đối tượng truy xuất thì định danh tự động là điều kiện tiên quyết để theo dõi nhanh chóng và chính xác các đối tượng truy xuất. Ở mức tối thiểu, tổ chức sử dụng mã định danh, số lô/mẻ và số sê-ri nếu có để đánh dấu trên đối tượng truy xuất. Tổ chức sử dụng các loại vật mang dữ liệu thích hợp để mã hóa và đánh dấu trên đối tượng truy xuất.

Thùng sản phẩm có khối lượng thay đổi hay cố định đều phải được dán nhãn rõ ràng với cùng thông tin truy xuất nguồn gốc ở dạng văn bản. Thông tin văn bản nên là các thành phần dữ liệu đã được xác định rõ, ví dụ: sau chữ “số lô” là giá trị của số lô.

Nhà cung cấp tiến hành định danh sản phẩm, sử dụng mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ, ở cấp độ thùng để có thể truy xuất nguồn gốc hoặc thu hồi sản phẩm hiệu quả. Trong trường hợp không sử dụng số lô/mẻ, tổ chức có thể sử dụng số sê-ri cho từng thùng. Số lô/mẻ hoặc số sê-ri phải được cung cấp cùng với mã truy vết vật phẩm. Việc này cung cấp các thành phần dữ liệu mà cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối, hoặc cơ sở vận hành dịch vụ ăn uống cần để quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc tối thiểu cho các sản phẩm bên trong.

Tổ chức thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, bằng cách liên kết mỗi số phân định lô thủy sản với mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ của sản phẩm mà thủy sản đó được sử dụng để sản xuất. Trong trường hợp nhà cung cấp thủy sản sống giao sản phẩm theo nhiều đơn vị logistic khác nhau, mỗi đơn vị logistic phải được truy xuất nguồn gốc riêng lẻ.

Các nhà cung cấp sử dụng nguyên liệu đầu vào sản phẩm khác trong quá trình sản xuất thì thành phần sản phẩm phải được phân định bằng mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ hoặc số sê-ri do nhà cung cấp chỉ định. Mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ hoặc số sê-ri của mỗi sản phẩm đầu vào phải được liên kết với mã truy vết vật phẩm và số lô/mẻ hoặc số sê-ri của sản phẩm đầu ra.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc thủy sản là cần thiết để cung cấp cho các bên thông tin về những gì đã xảy ra ở phía trước trong chuỗi. Những dữ liệu này cần được ghi lại bởi mỗi bên, bao gồm các phần tử dữ liệu chính và sự kiện theo dõi trọng yếu. Các phần tử dữ liệu chính đảm bảo dữ liệu đã được thu thập vào lưu giữ. Các phần tử dữ liệu chính xác định ai, cái gì, khi nào, ở đâu và tại sao. Bảng 6 đưa ra hướng dẫn xác định các phần tử dữ liệu chính.

Có thể nói truy xuất nguồn gốc là phương pháp đem lại nhiều lợi ích cho ngành thủy sản như: Giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất thông tin sản phẩm từ đó yên tâm hơn trong quá trình chọn mua thủy sản.

Giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả các vấn đề về an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu. Tạo sự tin tưởng và nâng cao uy tín của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thủy sản vào các thị trường khó tính. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc giúp ngành thủy sản chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bảo vệ người tiêu dùng. Đáp ứng yêu cầu của thị trường giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng, an toàn. Triệu hồi nhanh, chính xác số lượng hàng không đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại tối đa cho doanh nghiệp, tăng tính truyền thông, tiếp thị hiệu quả cho các sản phẩm.

 An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích