5 tháng đầu năm, thu được 50.000 tỷ đồng thuế từ thương mại điện tử
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, từ chiều 4/6 và sáng 5/6, Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quản lý hoạt động thương mại điện tử, nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như tránh thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) cho biết, thực tế cho thấy người bán hàng trực tuyến có thể có hành vi gian lận bằng cách tạo công cụ để làm tăng lượt giao dịch ảo để quảng cáo, để lừa khách hàng hoặc có thể cũng tạo công cụ để giảm doanh thu, từ đó giảm thuế, gây thất thu thuế của Nhà nước.
Còn đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số, nhưng cũng đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp xử lý thực trạng này, hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, liên quan đến vấn đề này thì việc triển khai thu thuế trên lĩnh vực thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ được thực hiện như thế nào?
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Quốc hội |
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, một trong ba thách thức của thương mại điện tử là việc chống thất thu thuế.
Thời gian vừa qua, thực tế qua thương mại điện tử đã giao dịch với một lượng rất lớn, doanh số lên tới gần 21 tỷ USD, việc nộp thuế năm 2023 theo thống kê là gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022. “Chúng ta cũng không thể phủ nhận là còn thất thu thuế trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với ngành Thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện việc rà soát và tăng cường quản lý thuế. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, chia sẻ liên thông với các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế để trao đổi dữ liệu, các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và website ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong tháng 6/2024. Tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với Tổng cục Thuế trong việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai nộp thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời về thu thuế với hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: Quốc hội |
Tham gia trả lời về thực hiện thu thuế của sàn thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã tăng cường tuyên truyền cũng như hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an. Cụ thể, kết nối 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, bằng 71,37% với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý; chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử và đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý hạch thu; với Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 ngân hàng…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, kết quả thực hiện năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng và năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm của năm 2024 này đã thu được 50.000 tỷ đồng.
Đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ nước ngoài, như Facebook, Google, Microsoft, Tiktok… thực hiện đăng ký và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại xuyên biên giới. Hiện nay đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử và sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử, trọng tâm thực hiện sẽ tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Về xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện hải quan thông minh, là một thành viên của hải quan thế giới và đã thực hiện thủ tục hải quan một cách tự động bằng điện tử 24/7, đẩy mạnh thanh toán điện tử 100%, kết nối trao đổi thông tin với 19 ngân hàng thương mại và nộp thuế qua điện tử…
Nguồn: Báo lao động thủ đô