Văn hóa kinh doanh tốt sẽ có sản phẩm tốt
Kinh doanh phải có văn hóa
Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều bất định, kinh tế diễn biến khó lường đã tác động không nhỏ tới xu hướng tiêu dùng hiện nay. Những xu hướng tiêu dùng mới, xu hướng tiêu dùng hiện đại đã và đang hình thành sẽ chi phối, định hướng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Sự thay đổi này đã được đề cập đến tại nhiều báo cáo trong nước và quốc tế.
Ảnh minh họa: Thanh Hồng |
Trong đó, theo báo cáo của McKinsey vào cuối năm 2023, cùng với xu hướng chung của tiêu dùng toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng kỹ tính hơn trong các hành vi và quyết định tiêu dùng của mình. Theo đó, người tiêu dùng có nhận thức cao hơn về giá trị sản phẩm, hàng hoá; ưa chuộng sử dụng các nền tảng thương mại đa kênh; ít trung thành với các thương hiệu; tìm kiếm mục đích rõ ràng khi mua sắm. Bên cạnh đó, tiêu dùng xanh, bền vững, trải nghiệm mua sắm thực tế ảo và thực tế tăng cường đang dần dần tạo thành xu thế mới.
Tại diễn đàn “Văn hoá kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới”, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Xu hướng tiêu dùng thường chịu sự tác động của nhiều yếu tố như văn hóa, xã hội, kinh tế, công nghệ và môi trường. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ có những xu hướng đặc trưng xuất hiện, định hình hành vi và tác động đến quyết định của người tiêu dùng.
Vì thế, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, trước những thay đổi quan trọng trên, các doanh nghiệp cần theo dõi để thấu hiểu rõ hơn nguyện vọng, nhu cầu của thị trường, của khách hàng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường hiệu quả nhất. Hơn thế nữa, văn hóa luôn là mục tiêu và động lực của sự phát triển.
“Văn hóa kinh doanh gắn liền với hoạt động sản xuất, tiêu dùng và bao hàm cả văn hóa tiêu dùng. Đó là những giá trị kinh tế đi đôi với giá trị nhân văn và ý nghĩa xã hội, tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế hiện đại. Để xây dựng văn hóa tiêu dùng, rộng hơn là văn hóa kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mang bản sắc giá trị văn hóa quốc gia, đòi hỏi chúng ta cần có chiến lược và mục tiêu cụ thể”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt trong gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong kinh tế ngày càng được quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện, theo đó xác định nhiệm vụ thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ tổ quốc.
Nâng lên tầm cao mới
Đại hội XIII của Đảng cũng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”.Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa qua đã xác định nhiệm vụ: Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam.
“Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đan xen đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cần thể hiện rõ nét bản sắc cốt lõi của doanh nghiệp; đồng thời kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa riêng biệt của đất nước và con người Việt Nam, gắn với sự phát triển hưng thịnh, bền vững, có trách nhiệm với xã hội; lan tỏa được những hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng kinh doanh; quảng bá được hình ảnh đất nước, văn hoá con người Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo các chuyên gia, văn hóa luôn là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, xây dựng văn hóa kinh doanh càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn. Văn hóa kinh doanh giúp nâng cao bản lĩnh, trình độ của đội ngũ người lao động theo hướng chuyên nghiệp hóa, thể hiện không chỉ trong cách ứng xử, khả năng sử dụng tốt các công cụ, các thành tựu khoa học kỹ thuật, cạnh tranh và hội nhập với thị trường mà còn cả trong giao tiếp với khách hàng, định vị thương hiệu và tiếp thị sản phẩm…
Văn hóa kinh doanh cũng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của hệ thống doanh nghiệp, từ chuyên môn đến tư tưởng và cách thức tổ chức; giúp tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật với nề nếp, kỷ cương; xây dựng môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại dựa trên nền tảng những giá trị văn hoá truyền thống cho mọi cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp. Qua đó, tích cực tạo động lực làm việc cho nhân viên, giúp các mối quan hệ giữa nhân viên tốt đẹp.
Xây dựng được văn hóa kinh doanh tốt sẽ tạo ra nguồn nội lực vững chắc cho việc liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều này không chỉ là yếu tố quyết định tới việc thu hút và sử dụng tối đa các nguồn lực mà còn đóng góp vào sứ mệnh cao cả của doanh nghiệp: Phát triển con người.
Nguồn: Báo lao động thủ đô