Khung mô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp phải tuân theo QCVN 30:2024

Xe mô tô hai bánh, xe gắn máy hai bánh là phương tiện phổ biến tại Việt Nam. Căn cứ vào Điều 53 Luật Giao thông đường bộ, xe mô tô hai bánh, xe gắn máy phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu; Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật; Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường; Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định. Đặc biệt, khi sản xuất, lắp giáp, nhập khẩu khung xe mô tô hai bánh, xe gắn máy hai bánh phải tuân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30:2024/BGTVT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30:2024/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành kèm theo Thông tư số 20/2024/TT-BGTVT ngày 03 tháng 06 năm 2024. Quy chuẩn QCVN 30:2024/BGTVT thay thế QCVN 30:2010/BGTVT.

Quy chuẩn này quy định về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với khung xe mô tô hai bánh, khung xe gắn máy hai bánh. Quy chuẩn này không áp dụng đối với các khung sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu khung; cơ sở sản xuất, lắp ráp xe mô tô hai bánh, xe gắn máy hai bánh và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với khung.

 Khung xe mô tô hai bánh, xe gắn máy hai bánh khi sản xuất, lắp giáp, nhập khẩu phải đảm bảo theo Quy chuẩn quy định. Ảnh minh họa

Quy chuẩn yêu cầu kết cấu và thông số kỹ thuật của khung phù hợp với tài liệu kỹ thuật của cơ sở đăng ký thử nghiệm cung cấp như: Sai số khối lượng khung theo đăng ký của cơ sở đăng ký thử nghiệm nhưng không vượt quá ± 10%; Sai số kích thước chiều dày các chi tiết chính của khung (ống cổ, thân chính, thân khung) theo đăng ký của cơ sở đăng ký thử nghiệm nhưng không vượt quá ± 10%. Sai số kích thước bao của mặt cắt ngang các chi tiết chính của khung (ống cổ, thân chính, thân khung) và các kích thước chiều dài khác theo đăng ký của cơ sở đăng ký thử nghiệm nhưng không vượt quá ± 5%.

Khung không được có vết nứt, gãy. Mối hàn trên khung (đối với khung có kết cấu hàn) không được bong, nứt. Các mối ghép trên khung như mối ghép đinh tán, mối ghép bu lông, các loại mối ghép khác (nếu có) phải chắc chắn.

Khung có khả năng chống han gỉ bằng cách sử dụng vật liệu chế tạo hoặc lớp phủ bảo vệ. Lớp phủ bảo vệ (nếu có) không được bong tróc, phồng rộp.

Khung phải được đóng mã nhận dạng khung trên chi tiết cố định của khung hoặc trên tấm kim loại gắn cố định trên khung và phải là duy nhất. Mã nhận dạng khung có thể trùng mã nhận dạng phương tiện (VIN). Trường hợp mã nhận dạng khung không trùng với mã VIN, mã nhận dạng khung phải bao gồm các ký tự để nhận biết được nhà sản xuất khung, dây chuyền sản xuất, kiểu dáng, năm sản xuất và số thứ tự sản xuất (trừ trường hợp khung nhập khẩu để thay thế, bảo hành).

Quy định về độ bền khung, khung phải được thử nghiệm độ bền theo Quy chuẩn này. Sau khi thử nghiệm độ bền khung không bị biến dạng, không bị nứt, gãy, các mối hàn, mối ghép không bị hư hỏng, phá hủy.

Đặc biệt, khung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với linh kiện, phụ tùng xe mô tô hai bánh, xe gắn máy hai bánh.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích