Nỗ lực hoàn thiện tiêu chuẩn vật liệu xây dựng xanh, hướng đến phát triển bền vững

Hiện nay, chuyển đổi xanh được xem là xu thế tất yếu của nhân loại. Theo tính toán, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức chỉ tăng 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt mức này, thế giới cần giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt Net Zero vào năm 2050.

Trong đó, mô hình sản xuất vật liệu xây dựng xanh như một công cụ thiết thực giúp doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế – xã hội nói chung trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững.

Vật liệu xây dựng xanh đem lại lợi ích cho môi trường và toàn xã hội. (Ảnh minh họa)

Về mặt lợi ích, các loại vật liệu xây dựng xanh có nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ đem lại lợi ích cho ngành xây dựng mà còn cho môi trường và toàn xã hội. Có thể kể đến như việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh giúp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại biến đổi khí hậu.

Mặt khác, sử dụng vật liệu xây dựng xanh còn giúp tận dụng nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp khác, đồng thời nguồn vật liệu xây dựng xanh sau khi sử dụng cũng dễ dàng tái chế, giúp cho ngành xây dựng và các ngành khác phát triển bền vững, đây cũng là giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Quan trọng hơn, sử dụng vật liệu xây dựng xanh còn góp phần cải thiện môi trường sống, giúp cho môi trường sống trong lành hơn…

Theo ông Kiều Văn Mát – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà Cao Cường (SCL), đơn vị đã đẩy mạnh việc tái sử dụng nguyên nhiên vật liệu; áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, giảm thiểu phát thải khí CO2 và các khí thải, chất thải gây hiệu ứng nhà kính, tạo ra môi trường lao động lành mạnh, an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chủ tịch SCL cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và ứng dụng vật liệu xây dựng xanh; tạo cơ chế phù hợp để vật liệu xây dựng xanh dễ dàng đến với người tiêu dùng, các chủ đầu tư, nhà thầu, dự án; Sớm hoàn thiện quy trình đánh giá, các tài liệu, công cụ hướng dẫn để doanh nghiệp, nhà sản xuất tiếp cận được với tín chỉ carbon và các lợi ích mà kinh tế tuần hoàn mang lại. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tới các nguồn vốn tín dụng xanh, nguồn vốn ưu đãi trong nước và quốc tế;…

Liên quan đến vấn đề trên, năm 2022, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26  các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Kế hoạch nêu rõ, ngành xây dựng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022-2030, hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải carbon thấp cho các sản phẩm vật liệu xây dựng (xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng) và vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng và công nghiệp. Đến năm 2030, 25% vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh. Đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải cac-bon thấp.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích