Luật Thủ đô sửa đổi ban hành, Hà Nội sẽ phát triển đột phá toàn diện
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Hà Nội đánh giá cao các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cho rằng dự thảo Luật đã thể hiện rất đúng tinh thần tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư để phát triển Thủ đô xứng tầm.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật hơn nữa, đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý nội dung về giải thích từ ngữ, đó là khi đưa ra các khái niệm thì phải đưa ra các thuộc tính để làm căn cứ pháp lý cho việc xác định đối tượng quản lý.
Lấy ví dụ tại khoản 1 Điều 3, đại biểu Cường cho biết, khi định nghĩa về “đô thị trung tâm”, dự thảo Luật không đưa thuộc tính mà lại nói luôn đô thị trung tâm là gì. Do vậy, theo đại biểu, cần phải bổ sung thêm thuộc tính, cụ thể cần nêu rõ, đô thị trung tâm là khu vực đô thị đảm nhận các chức năng chính của Thủ đô và sau quy định bao gồm những khu vực nào…
Qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn Hà Nội thống nhất rất cao nội dung quy định tại Điều 4 tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, đặc biệt là nội dung quy định tại khoản 3.
Các nội dung đề cập có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giải quyết, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn đã kéo dài và được xác định là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu quả thực sự là những chính sách vượt trội, khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.
Ngoài ra, quy định tại khoản 3, Điều 4 là hết sức cần thiết, bởi Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương là chính quyền TP. Hà Nội được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các cơ quan khác ở Trung ương thực hiện.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH Bình Dương, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều. Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dự thảo luật đã tập hợp, bổ sung, sắp xếp lại các quy định về nguyên tắc và các nội dung cụ thể về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo Luật do Chính phủ trình. Từ đó quy định thành điều riêng, bảo đảm rõ ràng về chủ thể, đối tượng, nội dung, trách nhiệm trong phân cấp, ủy quyền, thay thế cho việc áp dụng các quy định về phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Luật Thủ đô sửa đổi đưa ra những điều kiện cho Thủ đô phát triển. Sự cần thiết nhất là ở kỳ họp lần này có sự đồng thuận của đa số đại biểu để Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua. Các chính sách được hiện thực hóa chắc chắn góp phần nâng cao đời sống của người dân, xứng tầm là Thủ đô văn minh, hiện đại.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) bày tỏ đồng tình và đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cho rằng, hồ sơ dự thảo luật đã chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06, Nghị quyết số 15, đặc biệt là Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, đại biểu Mai cho rằng cần phải chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt.
Do đó, dự thảo luật quy định Thủ đô là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06 và Kết luận số 80 của Bộ Chính trị.
Đó là, tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, có cơ chế hợp tác công tư về quy hoạch đất đai, tổ chức bộ máy, tạo sự sáng tạo, tinh thần chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH Bắc Giang, Luật Thủ đô ban hành từ năm 2012, đã tạo động lực phát triển Thủ đô trong hơn 10 năm qua về nguồn lực, cơ chế liên quan xây dựng, quy hoạch hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển hiện nay, đang bộc lộ những hạn chế về cơ chế chính sách, thẩm quyền triển khai các vấn đề lớn của Thủ đô.
Hiện tại, các vấn đề về hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, mạng lưới giao thông, đường sắt, môi trường, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ cần phát triển để xứng tầm với Thủ đô nghìn năm văn hiến, văn minh hiện đại. Do đó, cần có dự thảo luật mới, với cơ chế chính sách mạnh hơn, khắc phục những bất cập nảy sinh, giúp Thủ đô có cơ chế chính sách đột phá hiện thực được mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Trung ương.
Luật Thủ đô sửa đổi nêu các chính sách đề ra bám sát với thực tế và xuất phát từ vướng mắc trong thực tiễn. Điều này thể hiện tầm nhìn dài hạn. Nếu thực hiện được triệt để cơ chế chính sách mới đề ra trong dự thảo Luật lần này, Thủ đô sẽ phát triển đột phá toàn diện.
Theo Thương Hiệu Và Công Luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu