Tăng cường ngăn chặn hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng tiêu dùng; hàng điện máy, linh kiện điện tử, điện và điện tử gia dụng; thực phẩm chức năng, đường cát, tân dược; thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, sắt thép, phế liệu… Đáng chú ý, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hiện được công khai trên các website thương mại điện tử.
Riêng năm qua, toàn ngành Hải quan đã phát hiện 60 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng gian lận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, tổng trị giá tang vật vi phạm ước tính 32,868 tỷ đồng. Điều này đã tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước, gây tác hại cho nền kinh tế, làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp…, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024.
Ảnh minh hoạ
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động nắm tình hình, nâng cao năng lực phân tích, đánh giá trên hệ thống nghiệp vụ hải quan; các nguồn thông tin trong và ngoài ngành để xác định trọng điểm.
Trong đó, các đơn vị tập trung nguồn lực phát hiện, xử lý có hiệu quả, đúng quy định pháp luật các vi phạm liên quan đến lĩnh vực hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; giả mạo xuất xứ… trong hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá; xác minh làm rõ hành vi vi phạm về các lĩnh vực trên để xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính, hình sự đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tính chất, mức độ vi phạm trên cơ sở quy định của pháp luật nhằm bảo vệ các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại chân chính, chống thất thu thuế nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan các cấp kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn mới mà đối tượng sử dụng, lợi dụng khoa học, công nghệ, kẽ hở pháp luật… để buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm về sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ, từ đó đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả.
Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu lực lượng chống buôn lậu toàn ngành; các Cục Hải quan địa phương phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện… Qua công tác đấu tranh, các Cục phát hiện những sơ hở của cơ chế, chính sách để tham mưu lãnh đạo các cấp kịp thời bổ sung, sửa đổi để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ thương hiệu Việt Nam.
Trong quá trình triển khai kế hoạch, các đơn vị phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo tạo thuận lợi thương mại, không gây cản trở hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của các tổ chức, cá nhân.
Bảo Lâm