Đừng sướng miệng để rồi nhập viện

Đi làm về muộn, ghé quán vịt gần nhà ăn bát bún, thấy khá đông thanh niên cả nam lẫn nữ, thậm chí có cả bà bầu gọi tiết canh vịt. Mọi người nói, trời nóng ăn tiết canh cho mát. Ngồi đối diện bên, một cậu thanh niên ngồi ăn ngon lành.

Tò mò bắt chuyện hỏi: “Thế em ăn tiết canh thế này không sợ à?”. Cậu trả lời: “Sợ gì anh, những người bị nhiễm liên cầu lợn chủ yếu ăn tiết canh lợn, còn tiết canh dê, tiết canh vịt… vô tư. Ở quê em, cứ có cỗ hay hội hè, đám đình là không thể thiếu món tiết canh vịt”.

Nghe cậu thanh niên giải thích, chợt nhớ cách nay khoảng 15 năm về trước, ở hầu khắp các làng quê, ngay cả quán ăn, cứ mỗi lần mổ lợn, bao giờ cũng đánh tiết canh để ăn. Lòng lợn không thể thiếu tiết canh. Nhưng kể từ khi intenet phát triển, báo chí liên tục đưa thông tin về các ca tử vong, nhập viện vì liên cầu lợn do ăn tiết canh, nên người dân đã biết sợ với món này. Hiện tại, rất hiếm người dân ăn tiết canh lợn, mà chuyển sang ăn tiết canh dê, vịt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm, dê, vịt cũng không có không gian kiếm ăn tự nhiên trên những cánh đồng, thửa ruộng, đồi núi mênh mông như trước, thay vào đó là nhốt trong các hồ ao hay các chuồng trại… nên nguy cơ nhiễm khuẩn là rất cao. Mới đây, tại tỉnh Thái Bình, một gia đình mời cỗ hàng xóm, trong đó có thiết đãi món tiết canh dê, và khi ăn xong khiến một số người bị nhập viện là minh chứng.

Như chúng ta đều biết, trong máu của gia súc, gia cầm (kể cả những con khỏe mạnh) đều chứa rất nhiều vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Đó là chưa kể quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở đường hô hấp, da, lông; cạnh đó là đồ dùng (bát, dao, thớt) không sạch cũng dễ tạo nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn. Hiện ở một số nơi, để thưởng thức món khoái khẩu tiết canh, đề phòng bệnh tật, người dân làm món này bằng củ dền đỏ.

Từ những vụ tử vong, nhập viện cấp cứu do ăn tiết canh, hơn lúc nào hết để bảo vệ chính mình người dân không nên ăn món này. Đặc biệt, cần nêu cao hơn nữa vai trò của truyền thông, dân vận từ cấp thôn, tổ dân phố đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đông người lao động. Chắc chắn khi công tác truyền thông có lớp, có lang, người dân sẽ ý thức được vấn đề và nói không với tiết canh.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích