Tiềm ẩn nhiều rủi ro với hoạt động mua trước, trả sau

Hoạt động kinh doanh mua trước, trả sau đã phát triển mạnh sau thời điểm mua sắm trực tuyến bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhờ nhiều biện pháp kích thích mua sắm và các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất cực thấp. Không giống như loại hình mua trả góp truyền thống, dịch vụ mua trước, trả sau cung cấp các khoản vay không tính lãi đối với khoản tiền nhỏ. Các hình thức mua trước, trả sau đang ngày càng trở nên phổ biến tại châu Á do mang lại những lợi ích hấp dẫn cho người bán và người mua.

Thông thường, các công ty tung ra các khoản vay ngắn hạn không tính lãi ngay trên trang web của mình, chỉ kèm theo những yêu cầu tối thiểu về xác minh khả năng tín dụng của người mua. Nhờ đó, người mua có thể kéo dài khoản thanh toán trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Phần lớn khách hàng trong trường hợp này là những người khó khăn về tài chính. Người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm sau khi thanh toán đợt đầu tiên dưới hình thức trực tuyến hoặc quét mã QR tại cửa hàng. Điều này giúp họ có thể vừa mua được sản phẩm mong muốn, vừa linh hoạt hơn trong quản lý dòng tiền chi tiêu.

 Cần tăng cường kiểm soát mua trước trả sau để bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với người bán hàng, chi phí mà họ phải bỏ ra cho mua trước, trả sau thường cao hơn so với thẻ tín dụng. Đổi lại, những người bán cũng được hưởng lợi từ doanh số bán hàng cao hơn, khi người tiêu dùng có xu hướng mua nhiều hàng hóa và trả nhiều tiền hơn. Sự bùng nổ của thị trường mua trước, trả sau đang thôi thúc ngày càng nhiều công ty công nghệ tài chính tham gia vào lĩnh vực này.

Sự phát triển nói trên cũng đang thu hút sự chú ý từ các cơ quan quản lý, nếu tính đến khả năng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một vấn đề khác chính là việc mua trước, trả sau có xu hướng khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, vượt ngoài tầm kiểm soát vì mua hàng quá nhiều, hoặc mua những món đồ đắt tiền hơn dự kiến.

Có thể dễ dàng nhận thấy, ‘‘mua trước trả sau’’ sẽ là lựa chọn hấp dẫn với một bộ phận dân số vì mang lại khả năng tiếp cận tín dụng cho những người không sở hữu thẻ tín dụng, hay không có điều kiện vay ngân hàng. Chẳng hạn, các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z, trên 18 tuổi nhưng chưa đi làm và đang nhận tiền hỗ trợ từ gia đình hằng tháng, vẫn có thể tiếp cận dịch vụ mua trước trả sau này.

Hiện tại, cách phát triển của thị trường ‘‘mua trước trả sau’’ khiến nhiều người liên tưởng tới thị trường ví điện tử một vài năm trước. Điểm giống nhau là những công ty tiên phong như Momo ở mảng ví điện tử và Fundiin hay Kredivo ở lĩnh vực ‘‘mua trước trả sau’’ có nhiều lợi thế trong việc nắm giữ thị phần nhờ tham gia thị trường sớm.

Một điểm tương đồng khác là cả ‘‘mua trước trả sau’’ và ví điện tử đều là những ứng dụng (app), nên việc cạnh tranh cũng sẽ dựa trên việc ứng dụng nào mang lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất, tiện lợi nhất và bao quát nhất.

Phương Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích