Vàng “tăng sốc”, chứng khoán “lao dốc”
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch cuối tuần 10/5 với thanh khoản giảm mạnh. Dòng tiền rút lui khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index có thời điểm giảm gần 9 điểm.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán nghiêng về sắc xanh: VIX tăng 1,74%, SHS tăng 1,06%, CTS tăng 4,44%, BSI tăng 1,65%, AGR tăng 1,34%; SSI, HCM, FTS, VND tăng gần 1%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng lại nghiêng về sắc đỏ: VPB giảm 1,33%, SHB giảm 1,28%; STB, TPB, CTG, EIB, MBB, NAB, BID, SSB, VIB, VCB giảm gần 1%.
Nhóm xây dựng và bất động sản phân hóa. |
Nhóm xây dựng – bất động sản có sự phân hóa: PDR tăng 3,92%, DIG tăng 1,78%, TCH tăng 2,2%, NLG tăng 1,35%, SXG tăng 1,2%, DPG tăng 2,46%; CEO, CTD, LCG tăng gần 1%. Ngược lại, VHM giảm 1,47%, VRE giảm 1,53%, NVL giảm 1,45%, VCG giảm 1,75%, BCM giảm 1,72%, HUT giảm 1,19%; KBC, HHV, NTL, VIC, SZC giảm gần 1%.
Tương tự, nhóm sản xuất cũng có sự phân hóa: DBC tăng 6,23%, HSG tăng 1,23%, DCM tăng 1,02%, TNG tăng 2,28%, VGT tăng 2%, AAA tăng 2,35%. Ngược lại: VHC giảm 1,91%, ANV giảm 1,61%, TCM giảm 1,11%; VNM, DGC, MSN, GVR giảm gần 1%.
Nhóm công nghệ thông tin và dầu khí tăng tích cực: ELC tăng trần, CMG tăng 6,32%, VGI tăng 1,46%; PVS tăng 3,29%, PVB tăng 3,16%, PVT tăng 2,76%, PVD tăng 1,42%…
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,94 điểm (0,32%) còn 1.244,7 điểm với 261 mã giảm, 165 mã tăng và 75 mã đứng giá. Ngược lại, chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 1,1 điểm (0,47%) lên 235,68 điểm với 77 mã tăng, 89 mã giảm và 64 mã đứng giá. Thanh khoản sụt giảm, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ gần 16.300 tỷ đồng, giảm gần 3.700 tỷ đồng so với phiên trước.
Khối ngoại vẫn miệt mài xả hàng, bán ròng phiên thứ 3 liên tục trên sàn HOSE với tổng giá trị bán ròng gần 502 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu VHM vẫn tiếp tục bị bán ròng mạnh nhất với hơn 193 tỷ đồng sau phiên bán ròng gần 1.257 tỷ đồng vào hôm trước. Tiếp đến là DGC với hơn 61 tỷ đồng, VPB gần 55,3 tỷ đồng, VCI gần 47 tỷ đồng, VRE gần 44,6 tỷ đồng…
Dự báo giá vàng miếng SJC tiến sát mốc 100 triệu đồng/lượng. |
Với thị trường vàng, vàng miếng SJC chưa dứt đà tăng. Lúc 15h00, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thêm 200.000 đồng mỗi chiều mua vào – bán ra so với cuối giờ trưa, ở mức 89,2 – 92,2 triệu đồng/lượng. Khoảng 40 phút sau, giá điều chỉnh lên 92,4 triệu. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. So với thời điểm mở cửa buổi sáng, kim loại quý đắt thêm khoảng 3 triệu một lượng.
Giá vàng loại này tại các doanh nghiệp khác cũng điều chỉnh. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết ở 88,9 – 92 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào – bán ra. Vàng nhẫn cũng tăng giá. Tại SJC, mỗi lượng nhẫn trơn neo quanh 76,4 triệu đồng/lượng, thêm 400.000 đồng chiều bán ra. Loại này tại DOJI vọt lên 77 triệu đồng/lượng, đắt hơn 500.000 đồng so với chiều qua.
Trước đó, trong phiên sáng, bảng giá liên tục được nhà vàng thay đổi. Tới cuối giờ trưa, SJC neo quanh 92 triệu đồng/lượng. Còn Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI bán ra 91,2 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – phân tích rằng, giá vàng tăng mãi tác động tới tâm lý rất lớn. Điều này khiến dân tìm cách mua vàng để tích trữ và bảo toàn. Điều này, khiến một lượng vốn lớn không đi vào sản xuất, kinh doanh.
Chứng khoán “lao dốc”, giá vàng “tăng sốc” điều này chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư vào ngắn hạn đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô là chưa cao; hiệu ứng đám đông về đầu tư vàng đang tạm “thắng thế”. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần lưu tâm, chỉ có “bỏ” đồng tiền vào sản xuất, kinh doanh mới tạo ra giá trị, công ăn việc làm cho người lao động, kinh tế vì thế cũng phát triển. Bởi thế, hơn lúc nào hết, người dân cần tỉnh táo đừng quá mải mê chạy theo “cơn sốt” vàng!
Nguồn: Báo lao động thủ đô