Hà Nội chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí thời gian qua

Tại sự kiện phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5-6) với chủ đề “Chung tay hành động vì không khí sạch – Thành phố xanh” các chuyên gia đánh giá, mặc dù là Thủ đô của cả nước với nhiều địa điểm đẹp và mang tính lịch sử nhưng Hà Nội lại phải chịu đựng chất lượng không khí kém nhiều ngày trong năm. Mức độ các hạt bụi mịn có hại trong không khí có thể cao hơn gần 9 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Điều này có tác động không nhỏ đến sức khỏe của người dân.

Trước thực trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, bao gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

 Không khí thành phố Hà Nội ô nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh minh họa

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “Chất lượng không khí kém là một nguy cơ đáng kể đến sức khỏe của người dân sinh sống tại Hà Nội. Nếu không hành động, tác hại đến sức khỏe từ ô nhiễm không khí có thể đe dọa những thành tựu về tuổi thọ mà chúng ta đã đạt được trong những thập kỷ gần đây. Cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội phù hợp với cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe toàn dân, cũng như phát triển kinh tế và xã hội bền vững, để tạo ra một tương lai tươi sáng hơn, khỏe mạnh hơn và công bằng hơn”.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP (Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc) tại Việt Nam cho rằng, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là rất quan trọng trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Mặc dù việc giải quyết tác động của ô nhiễm không khí rất quan trọng nhưng cũng phải ưu tiên hành động để giải quyết các nguồn gây ra ô nhiễm không khí.

Bà Ramla Khalidi kêu gọi tất cả các bên liên quan bao gồm các cơ quan Chính phủ, đối tác khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng quốc tế, địa phương và toàn thể người dân cùng đẩy nhanh các hành động chống ô nhiễm không khí.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, như cải thiện chất lượng không khí, quản lý rác thải, giảm rác thải nhựa, xây dựng hệ thống giao thông bền vững… nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố vẫn chậm được cải thiện. Thời gian tới, thành phố Hà Nội rất cần sự đồng hành của cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo Phó Giám đốc Sở, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng đang là vấn đề nan giải hiện nay, gây tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái, gây bệnh tật cho người dân. Nồng độ bụi ở đô thị vượt quá nhiều lần chỉ tiêu cho phép. Nồng độ khí thải CO2 nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 – 2,5 lần. Thực trạng môi trường này đi cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đặt ra những vấn đề nóng bỏng thách thức đối với sự phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Ngày Môi trường Thế giới là ngày quan trọng nhất của Liên Hợp quốc nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.

Năm nay, Ngày Môi trường thế giới được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Theo Công ước của Liên Hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD); tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến 3/4 dân số trên thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính của Liên Hợp quốc trong giai đoạn 2021-2030, thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững…

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích