Cà Mau: Khởi động dự án Aqua Xanh
Cà Mau: Khởi động dự án Aqua Xanh
Hàng nghìn người nuôi tôm ở Cà Mau sẽ được tiếp cận các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, thân thiện với môi trường và tạo ra giá trị bền vững.
Ngày 8/5, dự án Aqua Xanh đã khởi động, hướng đến chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Dự án thực hiện thí điểm tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau từ tháng 5/2024 đến tháng 7/2026 và có thể mở rộng ra các khu vực khác trên cả nước.
Thực trạng nguồn nước hiện nay đang ô nhiễm là một thách thức lớn ở ĐBSCL, đe dọa ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và sinh kế của các hộ nuôi nói riêng. Việc này gây ra tác hại nghiêm trọng đến ngành nuôi trồng thủy sản như: tỷ lệ sống thấp, tăng trưởng chậm, tỷ lệ bùng phát dịch bệnh cao và năng suất thấp.
Nhằm thiết lập chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, tập trung vào giảm ô nhiễm nước và chất thải phát sinh do nuôi trồng thủy sản, dự án Aqua Xanh sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng ngành nuôi trồng thủy sản để thích ứng biển đổi khí hậu bằng cách cải thiện nguồn tiếp cận thức ăn đầu vào bền vững.
Dự án cũng thiết lập cơ sở thu hồi vật liệu để phân loại chất thải, kết nối người dân với công ty thu mua, thiết lập kỹ thuật xử lý nước, chất thải…
Theo ông Maxime Hilbert – Tổng Giám đốc ngành dinh dưỡng Thủy sản Cargill Việt Nam, dự án này sẽ tập trung phục vụ các trang trại nuôi tôm thông qua việc đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế, cải thiện khả năng tiếp cận nguyên liệu đầu vào, tạo điều kiện cho nông dân tăng thu nhập bền vững.
PGS.TS Phạm Thanh Liêm – Trưởng khoa Công nghệ nuôi trồng thủy sản Đại học Cần Thơ, cũng cho biết: “Trường là đối tác kỹ thuật chính trong dự án Aqua xanh. Đơn vị mong muốn hợp tác và cam kết hỗ trợ chuyên môn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và quản lý môi trường nuôi. Dự án này có tiềm năng thiết lập một mô hình mới cho nuôi trồng thủy sản bền vững ở ĐBSCL”.
Theo đó, dự án hướng đến 1.000 người trong ngành nuôi trồng thủy sản được tiếp cận thông tin về các biện pháp nuôi trồng bền vững; Đào tạo hơn 300 người nuôi tôm theo các tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi thủy sản về quản lý nguồn thức ăn, quản lý rác thải và thực hành đa dạng sinh học; Giảm 30% lượng nước thải và giảm 20% phát thải khí nitơ và phốt pho vào năm 2025 cho 3 trang trại thử nghiệm. 10 người nuôi tôm xuất sắc sẽ được tiếp tục đào tạo để hỗ trợ kỹ thuật cho các nông dân khác trong giai đoạn sau.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị