Cổ đông lớn “tiếp sức” cho Hoàng Anh Gia Lai cơ cấu nợ, giảm lỗ

Mua lại trước hạn 355 tỷ đồng trái phiếu

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) đang đẩy nhanh quá trình xử lý các khoản nợ của tập đoàn và nhóm các công ty con sau khi huy động được 1.300 tỷ đồng từ nhóm cổ đông mới.

Theo đó, HAGL vừa mua lại trước hạn toàn bộ nợ gốc và lãi trái phiếu với giá trị là 355,44 tỷ đồng (lô trái phiếu có ký hiệu HAG2012.300, được phát hành ngày 18/6/2012). Thời gian thực hiện là ngày 25/4 vừa qua.

Theo kế hoạch, tập đoàn dự kiến sẽ giải ngân cho công ty con Gia súc Lơ Pang vay tiền để cơ cấu lại nợ tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với số tiền hơn 244,56 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HAGL sẽ bổ sung thêm vốn lưu động và cơ cấu nợ cho công ty con Hưng Thắng Lợi Gia Lai thông qua hình thức cho vay là 700 tỷ đồng.

HAGL co cau tra nơ 1300 ty
Phương án sử dụng 1.300 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai (Nguồn: HAG).

Mới đây, HAGL cho biết tập đoàn đã huy động thành công 1.300 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phần riêng lẻ cho 3 nhà đầu tư. Cụ thể, Tập đoàn Thaigroup đã mua 52 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng 520 tỷ đồng và sở hữu tỷ lệ 4,92% vốn điều lệ.

Ngày 25/4 vừa qua, Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank đã mua 50 triệu cổ phiếu HAG, nâng sở hữu từ 0% lên 4,73% vốn điều lệ.

Chứng khoán LPBank cho biết nhóm cổ đông liên quan gồm ông Lê Minh Tâm đã mua 28 triệu cổ phiếu HAG (2,65% vốn) từ đợt chào bán riêng lẻ của HAGL, ông Nguyễn Đức Bình sở hữu 1,3 triệu cổ phiếu HAG (0,12% vốn), bà Trần Thị Thu Phương sở hữu 5,65 triệu cổ phiếu HAG (0,53% vốn), và bà Phạm Lê Thị Hồng Hoa sở hữu gần 4,69 triệu cổ phiếu HAG (0,44% vốn). Như vậy, tổng lượng sở hữu của nhóm Chứng khoán LPBank là 89,6 triệu cổ phần, tương ứng 8,47% vốn điều lệ HAG và trở thành nhóm cổ đông lớn.

Các nhà đầu tư tham gia rót vốn vào HAGL đều có liên quan đến Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank – mã: LPB) của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy. Và với việc trở thành cổ đông lớn, nhóm cổ đông này có thể ứng cử nhân sự vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của HAGL.

Một động thái đáng chú ý mới đây, ngày 6/5, ông Lê Hồng Phong đã gửi đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên Ban kiểm soát. Đến ngày 7/5, ông Nguyễn Chí Thắng- người đã gắn bó với HAGL gần 30 năm qua, đã gửi đơn từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị. Dự kiến, Đại hội cổ đông thường niên ngày 10/5/2024 sẽ xem xét thông qua việc từ nhiệm của 2 lãnh đạo này.

Không chỉ trở thành cổ đông lớn của HAGL, mà mối quan hệ khăng khít giữa bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy), Chủ tịch ngân hàng LPBank và bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức), Chủ tịch HAGL còn thể hiện trên cả phương diện tài trợ tín dụng lớn và đầu tư vào đội bóng HAGL-LPBank.

Mới đây, LPBank đã ký hợp đồng tài trợ nguồn tín dụng lên tới 5.000 tỷ đồng để giúp HAGL đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, phát triển sản xuất, mở rộng quy mô trồng sầu riêng lên tới 2.000 ha. Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới cho tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam sau 1 thập kỷ biến cố khủng hoảng, thua lỗ kỷ lục.

bau-thuy-bau-duc-va-cai-duyen-cua-hai-ong-bau-1034
Mối lương duyên của bầu Đức và bầu Thụy được kỳ vọng giúp “hồi sinh” Hoàng Anh Gia Lai

Kế hoạch có lãi 3 năm liên tiếp, giảm bớt lỗ lũy kế

Trong vòng 3 năm qua, hoạt động kinh doanh của HAGL ghi nhận sự khởi sắc với lợi nhuận quay trở lại mốc nghìn tỷ. Đơn cử năm 2022 tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần 4.574 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.180 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu thuần tiếp tục tăng trưởng cao đạt 6.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.817 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cao nhất 12 năm qua.

Tập đoàn của bầu Đức vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 1.241 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, trái cây là loại sản phẩm đem lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn, đạt 885 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71% và tăng 25% so với cùng kỳ. Mảng nuôi heo đóng góp doanh thu 291,6 tỷ đồng, giảm 48,3% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán sản phẩm hàng hóa đạt 45 tỷ đồng…

Lợi nhuận gộp tăng lên 498,2 tỷ đồng và mức biên lợi nhuận gộp đạt 40% trong quý này, là một tỷ suất cao so với các công ty nông nghiệp cùng ngành. Sau khi trừ các chi phí, HAGL lãi ròng 215 tỷ đồng, giảm 26,1%. Song đây vẫn là kết quả đáng ghi nhận và nối dài chuỗi 11 quý có lãi liên tiếp trước đó.

Nhờ kinh doanh khởi sắc và liên tục có lãi, HAGL tiếp tục giảm lỗ lũy kế xuống còn 1.452 tỷ đồng vào ngày 31/3/2024. Vốn điều lệ hiện là 9.274 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 7.032 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, tập đoàn đối mặt với áp lực nợ vay lớn ở mức 7.816 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu 4.528 tỷ đồng tại ngân hàng BIDV và ACBS.

Đến cuối tháng 3/2024, tổng tài sản của tập đoàn tăng nhẹ so với đầu năm lên mức 21.170 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn ở mức 7.657 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng số tài sản của HAGL. Tài sản cố định đạt 5.903 tỷ đồng. 

Có thể thấy, hoạt động kinh doanh khởi sắc và có lãi trong quý đầu năm nay đã giúp HAGL cải thiện các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, song vẫn thiếu nguồn vốn lớn, cần sự “tiếp sức” từ nhóm cổ đông lớn mới xuất hiện thông qua kênh cổ phiếu và tài trợ tín dụng.

Do HAGL vẫn có lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 lên tới 1.669 tỷ đồng, nên cổ phiếu HAG đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) giữ nguyên diện cảnh báo từ cuối tháng 3.

Giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục, tập đoàn này cho biết kết quả kinh doanh có chuyển biến tích cực, tiến tới xóa lỗ lũy kế và phần nào khắc phục được nguyên nhân cổ phiếu HAG bị đưa vào diện cảnh báo. Hiện nay, cổ phiếu HAG đang giao dịch sôi động, thu hút dòng tiền đầu tư, neo quanh vùng giá 13.000 đồng/CP, hồi phục tăng tích cực 76% trong vòng 1 năm qua.

co phieu HAG 8-5-2024
Diễn biến cổ phiếu HAG hồi phục tích cực tăng 76%. Nguồn: FPTS

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích