Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép hỗ trợ thu hồi xe máy cũ, sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm
Thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang sử dụng năng lượng sạch
Báo cáo cho biết, dự luật thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 (tháng 10/2023). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự luật có 7 chương và 54 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường (tại điều 28, dự thảo Luật), báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô cho hay có ý kiến đề nghị không quy định nội dung “thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường” vì khó thực hiện trên thực tế.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bỏ nội dung này và chỉnh lý lại quy định theo hướng Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.
Đồng thời quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch để thành phố có thể chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp phù hợp với khả năng nguồn lực và yêu cầu của tình hình thực tế.
Trong nghiên cứu “Phát thải từ hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy trong giao thông đường bộ tại thành phố Hà Nội”, nhóm tác giả đến từ Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đưa ra các căn cứ cho thấy, xe máy là nguồn thải cần kiểm soát và áp dụng các biện pháp giảm phát thải để giảm các chất ô nhiễm không khí.
Xe máy có động cơ đốt trong sử dụng xăng. Quá trình xe chạy, xe ở chế độ không tải hoặc xe ở trạng thái khởi động đều làm phát sinh CO, NOx, SOx, CO2, HC, muội… Bay hơi nhiên liệu làm thất thoát hidrocác-bon và sự mài mòn trong quá trình di chuyển sinh PM2.5 cũng là các dạng phát thải do hoạt động của xe máy.
Hạn chế phương tiện vào nội đô
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho hay ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về việc hạn chế phương tiện giao thông trong thành phố, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường Thủ đô nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia.
Về việc này, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung định nghĩa “vùng phát thải thấp” là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí (khoản 6, điều 3).
Đồng thời giao Hội đồng Nhân dân thành phố quy định các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí và các biện pháp cần thiết kèm theo để bảo đảm phát triển bền vững (khoản 3 Điều 28).
“Các quy định này nhằm hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và bảo đảm thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trên địa bàn” – báo cáo nêu.
Hỗ trợ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch
Báo cáo nêu, có ý kiến đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) một số cơ chế để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông, việc bảo đảm tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng từ 16% đến 26%, cho cây xanh khoảng 10m2/người trên địa bàn TP, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung có nhiều quy định để giải quyết các vấn đề này như chính sách, biện pháp để hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.
Đồng thời quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch (khoản 3 Điều 28).
Đóng góp ý kiếm nhiều đại biểu đề nghị Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đưa ra được cơ chế chính sách mạnh hơn, đột phá hơn giúp Thủ đô có điều kiện xây dựng đô thị thông minh, hiện đại…
Trước đó UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội” từ năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu kinh tế đô thị đóng góp 85% GRDP TP vào năm 2025 và năm 2030 tỉ lệ đóng góp là 90%. Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện được thành phố đặt ra trong giai đoạn 2025-2030.
Đáng chú ý, Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập đề án “phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.
Ngoài ra, đề án “thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” cũng được giao các đơn vị liên quan thực hiện trong giai đoạn 2025 – 2030.
Báo cáo giải trình tiếp thu dự luật cho biết, hiện Hà Nội đang thực thực hiện các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trên địa bàn thành phố. Các quy chuẩn này hiện đều đang ở mức cao và nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn quốc gia. Đối với quy chuẩn khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, hiện Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ (dự kiến trình thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024), trong đó có nội dung giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải quy định về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải phương tiện xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. |
An Dương (T/h)