Xóa chung cư xuống cấp – Cần lắm sự đồng thuận!

Chú thích ảnh
Khu chung cư Đống Đa, thành phố Huế hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Các dãy nhà xuống cấp trầm trọngKhu chung cư Đống Đa nằm ở khu vực trung tâm thành phố Huế có 5 dãy nhà A, B, C, D, E được xây dựng cách đây hơn 45 năm, với những dãy nhà cao từ 3 – 5 tầng đang xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành kiểm định chất lượng công trình khu chung cư Đống Đa. Kết quả cho thấy, 3 dãy nhà A, B, C thuộc dạng công trình nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, nhất là nằm ở khu vực thường xuyên chịu tác động của mưa bão.

Qua nhiều lần đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế với người dân sinh sống ở đây đã thống nhất lựa chọn nhà đầu tư triển khai cải tạo, xây dựng lại 3 dãy nhà ở khu chung cư này. Ngày 8/9/2023, UBND tỉnh có Quyết định số 2088/QĐ-UBND về chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đống Đa với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến khởi công dự án ngày 19/5/2024 và hoàn thành không quá 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa, dự kiến vào tháng 7/2026. Hiện nay, dự án đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cấp giấy phép xây dựng cho nhà đầu tư. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được cấp quyết định giao đất, cho thuê đất.

Chú thích ảnh
Khu chung cư Đống Đa, thành phố Huế hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Tiến Minh cho biết, các dãy nhà của khu chung cư hiện đã xuống cấp, báo động nguy hiểm, chỉ cần một vị trí sụp đổ có thể kéo theo cả dãy nhà, không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Do đó cần sớm hạ giải để xây dựng mới, vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân vừa chỉnh trang đô thị thành phố. Hiện nay, tỉnh đã đưa dự án này vào danh mục công trình trọng điểm chỉ đạo thực hiện.

Trước mắt, thực hiện giai đoạn 1 với 3 dãy nhà A, B, C theo hình thức xã hội hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và cư dân đang sinh sống tại đây. Khi dự án xong, người dân sẽ nhận lại nhà tái định cư tại chỗ với những căn hộ rộng rãi, tiện nghi hơn.Khu đất triển khai dự án có diện tích khoảng 8.664 m2, quy mô dân số khoảng 2.066 người.

Tại đây sẽ xây dựng khu chung cư cao tầng hiện đại với 3 tầng hầm và 25 tầng nổi bao gồm 669 căn hộ chung cư; trong đó 161 căn hộ tái định cư, 508 căn thương mại kết hợp kinh doanh dịch vụ cao tầng.

Để thực hiện dự án trọng điểm này, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và đã có kế hoạch, trong đó đề ra các nội dung công việc để các sở, ngành, UBND thành phố Huế và chủ đầu tư triển khai. Theo số liệu mới nhất, đến nay 77% số hộ dân đã bàn giao mặt bằng đạt; còn lại 38 hộ dân chưa đồng thuận.Chậm tiến độ dự án

Chú thích ảnh
Khu chung cư Đống Đa, thành phố Huế hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Ở khu nhà C của chung cư Đống Đa, gia đình bà Hoàng Thị Thanh Nga (80 tuổi) là một trong số ít hộ dân vẫn còn bám trụ tại đây, giữa một không gian hoang vắng, nhếch nhác rác thải sau khi nhiều hàng xóm đã chuyển đi ở tạm nơi khác để dự án được triển khai. Trong căn hộ rộng hơn 50 m2, bà Nga cũng đã đóng gói đồ đạc cần thiết vào các thùng xốp, chờ đợi những kiến nghị của mình được giải đáp thỏa đáng sẽ chuyển đi.

Theo bà Nga, từ khi triển khai dự án, người dân ở đây rất đồng tình, ủng hộ xây dựng mới khu chung cư hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, những hộ còn lại đều có mối lo chung về vấn đề nhà tạm cư trong thời gian triển khai dự án.

“Chủ đầu tư đã giới thiệu nhà tạm cư rồi nhưng gia đình tôi yêu cầu thủ tục bàn giao nhà tạm cư phải chặt chẽ, có xác nhận của chính quyền địa phương để đảm bảo trong trường hợp nếu chủ đầu tư hiện tại chuyển giao dự án qua chủ đầu tư khác khi đó không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”, bà Nga chia sẻ.

Chung quan điểm trên, ông Trần Văn Diễn bổ sung thêm lý do là chủ đầu tư chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể bàn giao nhà và nhận nhà với sự xác nhận của chính quyền để bảo đảm quyền lợi cho người dân. “Ngày 25/3/2024, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức buổi đối thoại với các cư dân chưa bàn giao mặt bằng tại khu chung cư Đống Đa.

Tại đây, các gia đình đã nêu nhiều nội dung thắc mắc, kiến nghị và được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát để phản hồi bằng văn bản vào cuối tháng 3/2024. Tuy nhiên đến nay, các hộ dân vẫn chưa nhận được văn bản. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang chờ đợi, bởi căn hộ chung cư là chỗ ở duy nhất của chúng tôi. Trước khi bàn giao các giấy tờ liên quan cho chủ đầu tư, chúng tôi muốn các thắc mắc của mình phải được chính quyền đồng hành, đảm bảo quyền lợi bằng các văn bản pháp lý”, ông Trần Văn Diễn cho biết.

Trong số 38 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng có 8 hộ đã nhận tiền hỗ trợ về tài sản nhưng chưa chịu bàn giao mặt bằng theo quyết định thu hồi đất; 16 gia đình đã tham quan và đăng ký nhà ở tạm cư nhưng chưa nhận với nhiều lý do khác nhau; 14 hộ còn lại có nhiều ý kiến, kiến nghị khác và các cấp chính quyền đang tiến hành giải đáp.

Chú thích ảnh
Khu chung cư Đống Đa, thành phố Huế hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Về phía nhà đầu tư, lãnh đạo Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đống Đa cho biết, đối với những kiến nghị của các gia đình, UBND các cấp sớm có văn bản trả lời để người dân hiểu rõ và có cơ sở để chấp hành bàn giao mặt bằng. Đến nay, nhà đầu tư đã thực hiện chi trả cho các hộ dân tiền tạm cư hoặc bố trí căn hộ tạm cư; đã ký quỹ thực hiện dự án theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế; đã ký kết cam kết với UBND thành phố Huế và Sở Xây dựng tỉnh về tiến độ, chất lượng công trình và thời gian bàn giao căn hộ chung cư đối với các hộ dân.

“Đến thời điểm này, dự án đã bị chậm tiến độ. Với vai trò của nhà đầu tư, chúng tôi mong muốn và kiến nghị các hộ dân còn lại sớm bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Điều này có đóng góp lớn cho thành phố; đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng cho chính các hộ dân còn lại và đảm bảo quyền, lợi ích của những gia đình đã tự nguyện chấp hành bàn giao mặt bằng cho Nhà nước”, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đống Đa cho biết.

Việc càng kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng trong khi mùa mưa bão đang đến gần không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của chính các hộ dân bám trụ lại mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của đa số các gia đình đã tự nguyện bàn giao mặt bằng với mong muốn dự án được triển khai đúng tiến độ. Do vậy, chính quyền địa phương cần nhanh chóng phản hồi, giải thích rõ các thắc mắc của người dân theo quy định của pháp luật bằng văn bản nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình bàn giao mặt bằng.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích