Nữ doanh nhân và giải pháp công nghệ lướt web cho người khuyết tật
Sau một cuộc trò chuyện ngẫu nhiên với một người bạn là kỹ sư phần mềm khiếm thị, Trần Khánh Dung nhận ra nhiều rào cản về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin mà người khuyết tật phải đối mặt. Với mong muốn tạo ra một phương án dễ dàng và chân chân thật hơn cho người khuyết tật khi trải nghiệm internet, Dung đã sáng lập Rayo – một công ty khởi nghiệp về công nghệ hỗ trợ người khuyết tật.
“Vấn đề về khả năng tiếp cận web ảnh hưởng đến nhiều người với các loại khuyết tật khác nhau, không chỉ thị giác mà còn về thần kinh, nhận thức và vận động. Vì không có giải pháp nào hiện tại giải quyết vấn đề này ở quy mô lớn, đội ngũ của chúng tôi quyết định giải quyết vấn đề này,” Dung, CEO và nhà sáng lập 26 tuổi, cho biết.
Giải pháp của Rayo giúp người khuyết tật tự tin hơn trên thế giới trực tuyến, cải thiện trải nghiệm, tăng năng suất và thúc đẩy sự độc lập. Người dùng khiếm thị và người có hội chứng parkinson có thể truy cập các tính năng cơ bản của Rayo miễn phí. Ngoài ra Rayo cũng cung cấp thêm các tính năng nâng cao và tùy chỉnh có sẵn với một khoản phí hàng tháng không quá lớn. Công ty đặt mục tiêu mở rộng hỗ trợ cho các loại khuyết tật khác như vận động, nói và nghe, và khuyết tật học tập nhẹ thông qua mạng lưới các nhà cung cấp giải pháp trên toàn cầu.
Hiện tại, đội ngũ của công ty chỉ gồm năm người và đang mở rộng sau khi nhận được các khoản đầu tư ban đầu từ các nhà đầu tư dành cho các dự án khởi nghiệp và thông qua các cuộc thi. Năm 2023, Dung tham gia cuộc thi thuyết trình khởi nghiệp toàn cầu She Loves Tech, được hỗ trợ bởi chương trình Thúc đẩy Doanh nhân Nữ của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP). Đến nay, chương trình đã huy động được hơn 89,7 triệu USD vốn cho các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu và lãnh đạo, và hỗ trợ trực tiếp hơn 176,000 nữ doanh nhân thông qua việc tiếp cận tài chính và nâng cao kỹ năng kinh doanh.
Thông qua chương trình, Dung đã tham gia một trại huấn luyện chuyên sâu, nhận được sự cố vấn và đào tạo lãnh đạo, có cơ hội kết nối và tăng cường sự hiện diện trước các nhà đầu tư, và cuối cùng đã đạt giải ba trong vòng thuyết trình cuối cùng của cuộc thi.
Dù thành công và nhiệt huyết, là một nhà sáng lập nữ duy nhất, Dung phải vượt qua những định kiến giới lỗi thời để đạt được vị trí hiện tại. “Vì thế giới công nghệ chủ yếu do nam giới chi phối, tôi đã gặp phải những định kiến buộc tôi phải liên tục chứng minh bản thân trong ngành,” cô nói. “Nhưng may mắn thay, luôn có người hiểu những gì tôi đã trải qua và sẵn sàng hỗ trợ. Thông qua các sáng kiến cộng đồng như She Loves Tech, tôi đã hưởng lợi từ sức mạnh của sự cố vấn, kết nối với các nhà lãnh đạo và nhà đổi mới nữ trong ngành công nghệ mà tôi đã học hỏi được rất nhiều.”
Nhìn lại những phụ nữ xuất sắc đã định hình lịch sử công nghệ, Dung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo sự lãnh đạo của phụ nữ trong thế giới công nghệ, điều này rất quan trọng để thúc đẩy đổi mới từ các góc nhìn đa dạng. Để làm được điều này, bên cạnh các cơ hội tài trợ, Dung nhấn mạnh sự cần thiết của đào tạo và cố vấn để giúp các nữ sáng lập phát triển như những nhà lãnh đạo trong một ngành mà họ thường bị đánh giá thấp về khả năng.
Được truyền cảm hứng từ những câu chuyện của các nữ sáng lập và nhà đổi mới tiên phong mà cô gặp qua chương trình She Loves Tech, Dung khuyến khích các nữ doanh nhân tương lai tin tưởng vào khả năng của mình: “Là một nhà sáng lập lần đầu, bạn chỉ cần làm. Đôi khi bạn chưa có mọi thứ rõ ràng nhưng cứ bắt đầu và cuối cùng bạn sẽ đạt được. Không có thời điểm nào tốt hơn để bắt đầu giấc mơ của bạn là ngay bây giờ. Tất nhiên sẽ có những trở ngại và thất bại trên đường đi nhưng mỗi bước sẽ đưa bạn đến gần hơn với tầm nhìn của mình, vì vậy hãy tin tưởng vào bản thân và hành động.”
Nguồn: hoanhap.vn